Viễn thông, tin học và công nghệ thông tin chỉ có 46 cái tên lọt vào TOP 1000 doanh nộp thuế thu nhập lớn nhất nhưng lại đóng góp số thu thuế lớn nhất trong 6 nhóm ngành ở V1.000. Đây là sự bứt phá ấn tượng về hiệu quả kinh doanh khi vượt qua cả những ngành vốn vẫn được coi là siêu lợi nhuận, như ngành khai khoáng hay ngành tài chính.
Bứt phá
Công bố Xếp hạng V1.000- TOP 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất năm 2015, cho biết, ngành viễn thông – Tin học – CNTT là ngành đóng góp lớn nhất vào bảng xếp hạng năm nay mặc dù không phải là ngành có số lượng DN xuất hiện trong bảng xếp hạng nhiều nhất.
Trong 6 nhóm ngành có số DN đông nhất của V1000, các DN ngành này chỉ chiếm 4,6%, đứng thứ 2 khi nhiều hơn 3 DN so với ngành khai khoáng. Tỷ lệ các DN viễn thông, CNTT, tin học trong V1000 thấp hơn nhiều so với ngành tài chính (76), ngành điện (86) và ngành thực phẩm đồ uống, thuốc lá (110).
Tuy nhiên, về mức đóng góp số thu thuế TNDN thì ngành viễn thông, CNTT, tin học lại đạt kết quả cao hơn nhiều so với 5 nhóm ngành còn lại.
Cụ thể, năm 2014, trong V1000, DN ngành này đã nộp 14,254 nghìn tỷ đồng tiền thuế, gấp 2,3 lần so với ngành điện, cao hơn 25% so với các DN ngành tài chính, hơn 45% so với ngành khoáng sản, xăng dầu, cao hơn 55% so với ngành thực phẩm đồ uống, thuốc lá.
Ngành viễn thông, tin học và công nghệ thông tin đóng góp số thu thuế lớn nhất trong 6 nhóm ngành ở V1000. |
So với con số hơn 82,344 tỷ đồng đóng góp thuế của V1000, ngành viễn thông, CNTT, tin học đã có số thuế chiếm 17,3%.
Trong khi đó, các năm trước, ngành tài chính, khai khoáng mới là các ngành nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất.
Các chuyên gia cho biết, nhìn tương quan với các bảng xếp hạng khác như TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, có thể thấy, tỷ trọng số lượng và tỷ trọng doanh thu đóng góp của DN ngành này không lớn. Chẳng hạn như ở VNR500 năm 2014, ngành viễn thông, CNTT, tin học chỉ có số DN nhiều thứ 8 và có số doanh thu lớn thứ 5 trong bảng xếp hạng.
So với các năm 2013, 2014, số lượng DN viễn thông, CNTT, tin học có tên trong V1000 cũng đã giảm đi. Tuy nhiên, với số nộp thuế lại tăng lên và là con số đóng góp lớn nhất trong V1000. Như vậy, chất lượng DN ngành này đã có chiều hướng cải thiện tích cực hơn.
Những DN có mức đóng thuế thu nhập cao chính là những DN hoạt động hiệu quả, tạo ra nguồn doanh thu, lợi nhuận lớn. Tính cả năm 2014, tổng doanh thu của ngành viễn thông đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng, gấp 1.5 lần năm 2013.
Có thể thấy, trong số này, những DN đứng đầu ngành về số nộp thuế đều là những thương hiệu nổi tiếng như Vietel, Mobifone, Hanel, Thế giới di động, Sony Electronics, FPT...Trong đó, đáng chú ý nhất là Vietel có số đóng góp thuế lớn nhất và đồng thời, cũng là doanh nghiệp có doanh thu lớn thứ 5 trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2015 vừa công bố.
Tiềm năng
Lĩnh vực CNTT, Viễn thông tin học, ở Việt Nam vừa qua đã có khá nhiều điều kiện thuận lơi về thị trường. Việt Nam luôn là nước có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet, các thiết bị di động, máy tính, cũng như các phần mềm giải trí, hỗ trợ ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cùng đó, với lượng dân số trẻ tương đối lớn, Việt Nam luôn được coi là thị trường phát triển tiềm năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, Viễn thông tin học khai thác.
Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh. Gần nhất nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36 về chính phủ điện tử. Theo đó, các ngành dịch vụ công, các ngành kinh tế ở Việt Nam và hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước đều phải bắt buộc điện tử hoá, ứng dụng CNTT để đơn giản hoá tốt nhất các thủ tục hành chính và hoạt động của mình.
Đây cũng chính là một trong những điều kiện cho ngành viễn thông, CNTT, tin học ở Việt Nam hứa hẹn phát triển còn rầm rộ hơn, có cơ hội mở rộng phát triển phân khúc thị trường.
Một lý do quan trọng khác phải kể đến sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của chính các doanh nghiệp trong ngành này.
Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các DN phải luôn có những chính sách ưu đãi, sản phẩm chất lượng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt để giữ được thị phần, tăng trưởng doanh thu. Điển hình như Viettel đứng số 1 ở V1000 cũng là DN đứng đầu ngành đã chủ động nắm bắt đầu tư, mở rộng thị trường hoạt động ra các nước ngoài như ở Lào, Campuchia, Đông Timor, Mozambique, Cameroon, Haiti và Peru.
Trong năm 2014, việc tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam được coi là một trong những điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cải thiện kết quả kinh doanh, tăng lợi nhuận.
Qua báo cáo của Bộ TTTT, sau quá trình tái cơ cấu, các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông đều hoạt động đạt kết quả tốt mà điển hình là trường hợp Mobifone. Năm 2014, Mobifone bắt đầu tiên thực hiện tái cơ cấu nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn rất tốt, đóng góp cho NSNN đạt kết quả cao.
Năm vừa qua, Viettel nộp ngân sách 15.434 tỷ đồng (tăng 4% so với 2013), Mobifone nộp khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây không phải là những DN “tăng trưởng nóng” mà đây đều là những DN có tốc độ tăng trưởng vững chắc, tăng dần đều qua các năm.
Ngoài ra, ngành viễn thông, CNTT và tin học cũng chính là ngành hội tụ nhiều DN có thực lực mạnh, có sức sáng tạo đột phá, năng động, nhạy bén với các cơ hội kinh doanh mới. Điều đó đã làm khiến cho ngành này toả sáng ấn tượng nhất ở V1000 năm 2015.
Phạm Huyền