Ở trong khu biệt thự này, hàng xóm cũng phàn nàn sao căn biệt thự hoàn tránh thỉnh thoảng lại thấy bốc lên toàn mùi hôi mắm.

Giữa "ma trận" các loại nước mắm, với vài chục thương hiệu khác nhau, nhiều người vẫn “thủy chung” với nước mắm truyền thống, không pha tạp. Để có loại nước mắm nguyên chất này, họ chấp nhận đi hàng ngàn cây số để mua về, cất giữ ăn dần.

Anh Vũ Quang Thành ở Nguyễn Cảnh Dị (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, dù sinh sống và làm việc ở Hà Nội đã gần 20 năm nay, nhưng năm nào anh cũng lái ô tô vào tận Phan Thiết (Bình Thuận) để mua khoảng 200 lít nước mắm nguyên chất truyền thống cho đại gia đình dùng dần trong một năm.

Anh Thành kể, khu nhà anh ở gần chợ, còn siêu thị cách chưa đến 100m, chưa kể cửa hàng tạp hóa cũng sát vách, muốn mua nước mắm chỉ cần đi vài bước chân, hay lên “chợ mạng” chỉ vài phút là nước mắm được ship đến tận nơi. Song mấy chục năm nay, gia đình anh chỉ ăn loại nước mắm truyền thống, hay nước mắm ta.

{keywords}
Nhiều gia đình vẫn giữ thói quen ăn nước mắm truyền thống

Mọi người cứ nói mắm truyền thống có vị quá mặn lại nặng mùi nên khó ăn, nhưng riêng gia đình anh Thành thấy cực thơm. Mắm thì phải có vị mặn và phải có mùi, chứ mắm ăn ngọt lừ thì mất hết cả sự tinh túy trong món “quốc hồn quốc túy”. Thế nên, dù có sử dụng làm nước chấm hay nêm nếm món ăn, nhà anh chỉ sử dụng duy nhất nước mắm ta.

Song, để mua được mắm truyền thống chuẩn xịn, đảm bảo chất lượng thơm ngon, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại không hề dễ.

“Tôi đã đi khá nhiều thủ phủ sản xuất nước mắm truyền thống để xem cách họ làm, nếm thử hương vị. Cuối cùng, tôi chỉ ưng loại nước mắm được sản xuất ở Phan Thiết. Gia đình tôi ăn nước mắm Phan Thiết đã 20 năm nay”, anh Thành nói. Đều đặn hàng năm, khi nào nhà chuẩn bị hết mắm, anh lại bắt xe khách từ Hà Nội vào Phan Thiết để mua.

“Trước đem được 200 lít nước mắm ra vất vả lắm. Tôi thường phải bắt xe khách  vào Phan Thiết, tính ra cả đi cả về mất toi vài ngày. Giờ thì nhà có ô tô, tôi tự lái xe vượt hàng ngàn cây số vào đó chỉ để mua nước mắm”, anh Thành chia sẻ.

Nước mắm anh chỉ lấy tại một mối nên nhiều người bảo anh là cứ điện thoại cho họ gửi ra, chạy xe vào cho vất vả. Tuy nhiên, anh vẫn chọn cách vào tận nơi để tự mình nếm thử nước mắm, đảm bảo mua đúng loại có hương vị quen thuộc.

{keywords}
Một số gia đình mua cả vài trăm lít nước mắm về tích ở nhà ăn dần

"Tôi mua đúng 5 can (mỗi can 40 lít) chất đầy lên ô tô rồi chở ra Hà Nội, đem chia  cho anh chị em mỗi nhà 20-30 lít để ăn dần cả năm. Còn lại, anh tích đó để dùng dần hoặc thỉnh thoảng đem biếu tặng bạn bè, khách quý.

“Nhà tôi thì chỉ dùng khoảng 40 lít nước mắm. Nhưng tiện một công đi mua thì cứ lấy hẳn 200 lít về để chia cho các nhà”, anh nói.

Tương tự, chị Hà Thị Minh Phương, 40 tuổi ở phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tiết lộ, trong ăn uống, chị đã tiếp xúc với khá nhiều món ăn chế biến theo kiểu hiện đại, nhưng riêng nước mắm thì phải là mắm truyền thống.

“Dù có ăn bất cứ món gì thì bát nước chấm trong mâm cơm nhà tôi cũng là nguyên chất, chỉ cho thêm vài ba miếng ớt để giữ được hương vị của nó". Chính vì thói quen khó bỏ này nên suốt 40 năm qua, trong căn hầm ở nhà chị lúc nào cũng có 4-5 thùng nước mắm nguyên chất tích sẵn.

Cứ 2 năm một lần, vợ chồng chị lại lái chiếc bán tải vào tận Bình Thuận để mua vài thùng mắm cốt cá cơm, sau đó chất lên xe chở về Hà Nội.

“Ở trong khu biệt thự này, hàng xóm cũng phàn nàn sao nhà tôi thỉnh thoảng lại thấy bốc lên toàn mùi mắm. Nhưng, cứ nghĩ đến bát nước mắm cốt đặc trưng, tôi vẫn tặc lưỡi, bỏ ngoài tai”, chị Phương tâm sự.

Cuối tháng vừa rồi, chị rót mắm vào 6 cái chai 1 lít đem biếu mấy nhà hàng xóm. Mấy hôm sau gặp chị, ai cũng khen mắm ngon và hỏi mua. Nhưng chị đều lắc đầu bảo không bán, chỉ hứa khi nào nhà hết, vào Bình Thuận mua thì chị sẽ cho hàng xóm ké một ít.

Bảo Phương