Tuy nhiên, những lá thư họ để lại đã tiết lộ một sự thật hoàn toàn khác.

KIỂU CHIẾN TRANH LẠ

“10h50 sáng nay, Tổng hành dinh vang lên còi báo động”, James Fahey, binh nhất trên tàu USS Montpelier của Mỹ đóng tại Philippines, viết trong nhật ký vào ngày 27/11/1944. “Mọi người đều chạy đến khẩu đội của mình”.

Bầu trời phía trên tàu Montepelier khi đó đặc máy bay Nhật. Các phi công Mỹ cũng lao lên không để cố gắng xua đuổi, và ít nhất một chiếc máy bay địch dường như đã bị hạ. Fahey nhìn thấy nó đang lao về phía họ, chỉ có điều không thấy khói. Chiếc phi cơ không có vẻ gì là đã bị hư hại, nó lao xuống biển, sát mũi tàu Montpelier. Fahey không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một phi công thiện xạ của ta có lẽ đã bắn hạ phi công địch, anh nghĩ.

Nhưng chỉ trong vài giây, một máy bay khác của Nhật lại lao xuống, lần này cũng không có vẻ đã trúng hoả lực. Chiếc phi cơ lao vào thân con tàu kế bên, USS St. Louis, và một quả cầu lửa lập tức bùng lên. Nhà chứa máy bay trên tàu nổ tung trong ngục lửa. Nhiều phi công Mỹ thân mình ngùn ngụt cháy chạy ra kêu cứu chỉ trong khoảnh khắc trước khi gục xuống.

Đó là một kiểu chiến tranh hoàn toàn mới.

Fahey đang kẹt trong một cuộc tấn công kamikaze – cuộc tấn công bởi một kẻ thù không có ý định phải sống sót. Các phi công liều chết (kamikaze) của phát xít Nhật chính là nỗ lực tuyệt vọng nhất, khốc liệt nhất nhằm vào quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ II. Và có thời điểm, nó đã phát huy hiệu quả.

Sự ra đời của kamikaze 

Fahey đã nghĩ anh là người đầu tiên chứng kiến một máy bay kamikaze đang liều chết, nhưng không phải. Vào lúc anh bị tấn công, người Nhật đã sử dụng chiến thuật kamikaze được hơn một tháng. 

Chiếc máy bay kamikaze đầu tiên đã đánh trúng mục tiêu vào ngày 25/10/1944, trong trận chiến Vịnh Leyte, nhưng ý tưởng này thực ra được nung nấu từ lâu trước đó. Thậm chí đã có một vụ tấn công kamikaze ngay trong trận chiến đầu tiên của quân Nhật với quân Mỹ ở Trân Châu Cảng. Trong trận chiến đẫm máu ấy, một phi công tên là Futasa Iida đã lao máy bay của anh ta vào một trạm không lưu hải quân, thực hiện lời hứa với các bạn rằng nếu trúng đạn, anh ta sẽ lái máy bay lao vào một mục tiêu kẻ thù đáng giá.Không phải chờ đến khi quân Đức đầu hàng và quân Mỹ chiến thắng trên nhiều mặt trận, quân đội Nhật mới bắt đầu cân nhắc cho phi công đánh cảm tử.

Vào giai đoạn cuối Thế chiến, ngay cả ở Nhật Bản, ít người tin rằng họ có thể chiến thắng trong cuộc chiến này. Thay vào đó, họ đang chiến đấu để vượt qua nỗi sợ phải “đầu hàng vô điều kiện” trước người Mỹ. Nếu có thể khiến quân Đồng minh chịu đủ nhiều tổn thất hơn, người Nhật tin rằng họ có thể đàm phán những điều kiện tốt hơn. Và Đại uý Motoharu Okamura chính là người đầu tiên đề xuất ý tưởng kamikaze vào ngày 15/6/1944.

Okamura nói với Phó đô đốc Takijiro Onishi, Tư lệnh Phi đội 1 của Nhật: “Tôi tin chắc rằng cách duy nhất để thúc đẩy cuộc chiến có lợi cho chúng ta là tiến hành những cuộc tấn công liều chết ‘bổ nhào’ bằng máy bay”.

Okamura bảo đảm với Tư lệnh của mình là đàn ông Nhật sẽ sẵn sàng hy sinh mạng sống vì cơ hội cứu đất nước. “Hãy cho tôi 300 máy bay và tôi sẽ lật ngược thế cờ. Không còn cách nào khác”, viên Đại uý cam kết.

Những “tình nguyện viên” kamikaze

Các đội cảm tử của Okamura và Onishi không phải là những người liều chết đơn độc lao máy bay vào kẻ thù như trong quá khứ. Họ phải đảm bảo rằng mình hành động có mục tiêu và hiệu quả. Phi công kamikaze lái những chiếc máy bay có gắn quả bom nặng 250kg ở mũi. Khi lao vào mục tiêu, thì sức công phá không chỉ nằm ở va chạm mà còn ở quả bom phát nổ; nếu đúng vị trí, nó có thể vô hiệu hoá, thậm chí đánh chìm cả tàu sân bay.

Tất nhiên, những phi công kamikaze sẽ không có cơ hội sống sót. Người ta còn định tháo bỏ cả càng hạ cánh của máy bay kamikaze để phi công không còn phải bận tâm với ý định quay trở về.

Lực lượng phi công cảm tử được gọi là kamikaze, trong tiếng Nhật có nghĩa là “thần phong". Cụm từ này từng được sử dụng thời Kublai Khan vào thế kỷ 13, khi cơn bão Kamikaze đã phá tan đội quân Mông Cổ đang tìm cách xâm lược Nhật Bản. Giống như lực lượng siêu nhiên đó, các phi công Nhật Bản được kỳ vọng sẽ cứu người dân khỏi sự huỷ diệt.

Chú thích ảnh

Một máy bay kamikaze Nhật lao xuống boong tàu sân bay Saratoga của Mỹ, gây ra đám cháy. Ảnh chụp ngày 21/2/1945

Đúng như Okamura dự đoán, nhiều nam giới Nhật đã đăng ký hy sinh mạng sống của mình trên máy bay kamikaze. Chuyện kể lại rằng khi Phó Đô đốc Onishi lần đầu tiên yêu cầu các phi công, mọi người có mặt đều tình nguyện hưởng ứng.

Nỗi sợ cái chết

Theo tuyên truyền của Nhật Bản, câu chuyện trên là bằng chứng cho thấy đàn ông Nhật sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Tuy nhiên, ảnh chụp những trang nhật ký và thư mà các phi công kamikaze để lại đã nói lên một sự thật kém hào hùng hơn nhiều.

Quân đội Nhật tuyên truyền rằng, với niềm tự hào hy sinh vì Tổ quốc, khi được đề nghị chỉ huy lực lượng kamikaze, Trung uý phi công Yukio Seki chỉ nhắm mắt lại, đứng yên lặng một lúc rồi vuốt ngược mái tóc và nói: “Hãy cử tôi vào vị trí đó”.

Nhưng những tâm sự riêng tư của Seki sau đó cho thấy anh không có lựa chọn nào khác. “Tương lai của Nhật Bản sẽ thật ảm đạm nếu buộc phải giết một trong những phi công giỏi nhất của mình”, Seki cay đắng nói với một phóng viên chiến trường. “Tôi không thực hiện sứ mạng này vì Hoàng đế hay vì Đế chế… Tôi đi chỉ vì được lệnh”.

Nhiều phi công kamikaze cũng chia sẻ nỗi cay đắng của Seki trước viễn cảnh cái chết không tránh khỏi, ngay cả khi họ đã viết lời tình nguyện ra giấy. Một người khác viết thư về nhà cho mẹ: “Con không thể không khóc khi nghĩ đến mẹ. Khi con nghĩ về những hy vọng mà mẹ đã trông đợi ở tương lai con… Con cảm thấy thật buồn khi sẽ chết mà không làm được gì để mang lại cho mẹ niềm vui”.

Xem tiếp Kỳ 2: Tấn công liều chết, tiêu diệt tàu sân bay

Theo baotintuc.vn