Liệu loại bột Talcum (Talc) có trong các sản phẩm chăm sóc trẻ em như phấn rôm có thực sự an toàn? Một tòa án Mỹ mới đây ra phán quyết tập đoàn khổng lồ Johnson & Johnson phải bồi thường 72 triệu USD do sản phẩm phấn rôm trẻ em có liên quan đến ung thư buồng trứng.
Bị đền bù 72 triệu USD
Gia đình bà Jackie Fox tại Birmingham, Alabama đã kiện hãng sau khi bà qua đời vào tháng 10/2015 ở tuổi 62, hơn hai năm sau khi bà bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng.
Con trai bà cho biết mẹ anh đã sử dụng 2 sản phẩm dựa trên bột Talc của công ty (Baby Powder và Shower to Shower) như là dung dịch vệ sinh, tắm rửa hàng ngày từ 35 năm trước. Tòa phán quyết, Johnson & Johnson phải trả cho gia đình Jackie Fox 10 triệu USD tiền đền bù và 62 triệu USD tiền nộp phạt.
Theo Hội nghiên cứu Ung thư Anh, trước những năm 1970, bột Talc thường chứa sợi amiăng được cho là gây ung thư. Nhưng kể từ đó tới nay, theo luật của Liên minh Châu Âu (EU), mọi sản phẩm chứa bột Talc đều không còn amiăng.
Tuy nhiên, bột Talc hiện nay thường chứa một loại hợp chất gọi là khoáng Talc. Một số nhà khoa học chỉ ra rằng, các hạt Talc có thể xâm nhập vào buồng trứng, gây ra hiện tượng viêm sưng khó chịu. Quá trình viêm sưng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Đã có nhiều nghiên cứu tìm kiếm các mối liên quan giữa bột Talc và bệnh ung thư buồng trứng, kết quả cho thấy rất khác nhau.
Theo tổ chức từ thiện vì bệnh nhân ung thư buồng trứng Ovacome, trong năm 2003, kết quả của 16 nghiên cứu liên quan đến 12.000 phụ nữ cho thấy, sử dụng sản phẩm chứa Talc làm gia tăng nguy cơ ung thư buồng trứng lên khoảng 1/3.
Con số này có vẻ đáng báo động nhưng tổ chức này cũng chỉ ra rằng, việc uống rượu và hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư thực quản lên tới 30 lần.
Ngoài ra, cả Hội nghiên cứu ung thư và Ovacome đều nhấn mạnh, phần lớn các nghiên cứu đều là "nghiên cứu bệnh chứng", nghĩa là kết quả thu thập được từ những người có bệnh ung thư buồng trứng, nhớ lại đã làm những gì trong quá khứ.
"Mọi người có thể không nhớ chính xác số lượng sản phẩm chứa bột Talc từng dùng trong quá khứ, và phụ nữ mắc ung thư buồng trứng có khả năng nhớ chính xác việc sử dụng bột này hơn những người không có bệnh. Điều đó khiến kết quả sai lệch", Hội nghiên cứu Ung thư Anh giải thích.
Nhiều nghiên cứu nhưng chưa rõ ràng
"Trong khi các nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nhẹ về nguy cơ ung thư buồng trứng ở phụ nữ sử dụng sản phẩm chứa bột Talc, thì bằng chứng không hoàn toàn rõ ràng. Vì thế, chúng ta không thể chắc chắn liệu chính bột Talc có là nguyên nhân gây ra ung thư buồng trứng hay không", hội nghiên cứu cho biết.
Trong khi đó, phụ trách cố vấn y tế của Ovacome Sean Kehoe cho hay: "Đã có nhiều thử nghiệm trên động vật được tiến hành để xem có phải Talc gây ra ung thư hay không, nhưng kết quả đều âm tính, dù cho Talc gây ra tình trạng viêm ở các mô".
Chỉ có một nghiên cứu lớn duy nhất về mối liên quan giữa ung thư buồng trứng với Talc mà không dựa vào việc các bệnh nhân ung thư nhớ lại quá khứ dùng bột này.
Các nhà khoa học tại Đại học Melbourne đã phân tích dữ liệu từ hơn 78.000 phụ nữ khỏe mạnh về mức độ thường xuyên sử dụng các sản phẩm chứa bột Talc.
Kết quả các nhà khoa học cho biết "không có sự liên quan chung" nào giữa sử dụng Talc và ung thư buồng trứng. Người tham gia nghiên cứu từng dùng bột này không có nguy cơ mắc bệnh cao hơn với người không từng sử dụng.
Sarah Williams, phụ trách thông tin y tế của Hội nghiên cứu Ung thư Anh nhấn mạnh: "Hiện các nhà khoa học đang xem xét mối liên quan giữa phụ nữ dùng bột Talc ở vùng kín vì lý do vệ sinh với ung thư buồng trứng. Nhưng bằng chứng vẫn không rõ ràng".
Trong khi đó, Johnson & Johnson khẳng định, họ tin là các sản phẩm chứa bột Talc an toàn.
“Trách nhiệm trên hết của chúng tôi là sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng. Chúng tôi rất thất vọng về kết quả của phiên tòa. Dù rất cảm thông với gia đình nguyên đơn nhưng chúng tôi tin chắc độ an toàn của phấn rôm đã được khoa học chứng minh hàng thập niên qua” - bà Carol Goodrich, phát ngôn viên hãng nói.
Thái An (Theo Huffingtonpost)