Ngoài những nguyên tắc cơ bản trong quản lý và tổ chức hoạt động của một đại học Mỹ, luôn có những “sự thật khác” (the alternative facts [1]) thách thức tính minh bạch và đạo đức trong quản trị đại học.

Tôi xin chia sẻ một vài câu chuyện nhỏ, với hy vọng Bộ GD-ĐT Việt Nam có thể ban hành những quy định có ứng dụng thực tiễn tốt.

{keywords}

Hầu hết sinh viên chỉ tập trung vào nội dung chương trình, thời gian học, tiền học, tương lai công việc (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Khi website chỉ là nơi quảng bá “đẹp”

Làm sao để biết trường và ngành mình học là hợp pháp, khi website chỉ là nơi cung cấp thông tin cơ bản về chương trình học và quảng bá “đẹp”?

Là sinh viên đi học, hầu hết chúng ta đều chỉ tập trung vào nội dung chương trình, thời gian học, tiền học, thực tập, tương lai công việc. Nhưng thế là chưa đủ, vì điều đầu tiên chúng ta nên tìm hiểu là chương trình mình học có hợp pháp và được kiểm định hay chưa.

Lý do đơn giản thôi, vì nếu chương trình bạn học không hợp pháp (được hiểu là có đăng ký chất lượng với cơ quan có thẩm quyền, bởi một tổ chức hợp pháp), hoặc nếu chương trình bạn học chưa được kiểm định ở những cơ quan độc lập kiểm định chất lượng giáo dục đại học, nguy cơ bạn sẽ mất trắng tiền học khi chương trình là “fake” (dởm), dành cho mua bán bằng cấp và/ hoặc chương trình chất lượng kém.

Đó là chưa kể đến việc bạn sẽ mất rất nhiều thời gian cho chuyển đổi chương trình, giải trình việc mình đã đi học thế nào nếu chẳng may cơ quan điều tra phát hiện những gian lận trong chương trình học đó, bạn có biết mà vẫn quyết định học.

Việt Nam đã có nhiều bài học về những chương trình đào tạo ngoại ngữ, tin học, nghề, cử nhân hay thạc sỹ, trong nước hay có yếu tố nước ngoài, mà không đáp ứng yêu cầu về pháp lý và chất lượng. Nhưng nguy hiểm hơn, có nhiều chương trình hợp pháp, có kiểm định độc lập, do giữa đường có trục trặc, tính hợp pháp và kiểm định bị chấm dứt nhưng trường không thông báo cho người học.

Họ làm như vậy hoặc để né tránh pháp luật và thanh tra, “xập xí xập ngầu” giữa chương trình Việt với chương trình nước ngoài, từ cấp 1 đến cấp 3 và đào tạo nghề, làm người học không rõ được rút cuộc mình đang học chương trình nào.  

Đấy sẽ là vấn nạn cho người học vì sau này, giá trị tấm bằng của bạn khó xác định.

Những thách thức với yêu cầu “ba công khai”

Gần đây, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải "ba công khai" - công khai thông tin cơ bản của trường, bao gồm cả tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và có việc làm trên website của trường.  

Tuy nhiên, yêu cầu công khai thông tin cơ bản là điều thách thức cho nhiều trường, đặc biệt những trường “không có mong muốn” công bố thông tin. Vậy, công khai thông tin cơ bản theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT hiện nay sẽ vướng phải những gì?

Vấn đề thứ nhất là thực tế ở Việt Nam không có tổ chức nào có thể công khai hết các thông tin trên website, mà họ sẽ “nhìn nhau” để cung cấp thông tin, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh và thu hút học sinh. Vì vậy, nhiều thông tin cơ bản, tưởng đã được công bố, cũng không mấy giá trị cho học sinh, nếu trường thực sự đã có ý muốn chơi ‘chiêu”.

Lấy ví dụ năm 2016 một đại học nổi tiếng ở Hà Nội đã tự động tăng học phí lên 30% và cho rằng điều này hợp lý [2]. Vậy thì, quy định của Bộ GD-ĐT đưa ra về công bố thông tin tổng số tiền đào tạo học sinh/ năm liệu có còn ý nghĩa không? Khi sinh viên năm thứ 2, thứ 3, thứ 4 khóc ròng vì không có tiền đóng tiếp, chỉ còn đường hoặc nghỉ học hoặc cắn răng đi vay đi làm đâu đó nộp cho xong! Lúc đó, ai chịu trách nhiệm?

Một ví dụ khác khá phổ biến ở nhiều trường là để đảm bảo đủ thu bù chi và lợi nhuận sau thuế, chương trình cơ bản công bố cho sinh viên, sau đó là áp dụng các “biện pháp” tiết kiệm chi phí. Đó là các trường cắt bớt giờ học và cho chuyển sang giờ “tự học”, cho sinh viên sau đại học dạy các giờ không quan trọng hoặc những môn có nhiều giờ nhằm bớt giờ và lương của giáo sư chính thức, chuyển từ học tại lớp sang online hoặc tự học nhóm, cắt giờ đi thực tập và yêu cầu sinh viên tự viết báo cáo, giáo viên dạy một môn chuyên ngành được yêu cầu dạy cho nhiều môn khác…

Cuối cùng, ai là người chịu thiệt thòi nhất? Có ai nghĩ cho sinh viên không? Có thể có, và có thể không, nhưng như các cụ nói rồi, “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Đây là những thực tế đòi hỏi Bộ GD-ĐT cần suy nghĩ kỹ để đưa ra những quy định đảm bảo được lợi ích cho cả hai bên, cho nhà trường và cho học sinh (bên luôn là yếu thế hơn), gồm cả lợi ích về học tập và lợi ích được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi trường gây ra cho sinh viên.

Vấn đề thứ hai, thông tin về chương trình được kiểm định bởi bên thứ ba và các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Hầu hết sinh viên và xã hội chỉ biết trông chờ vào tính minh bạch thông tin và đạo đức quản lý và đào tạo của trường, dựa trên uy tín của chính trường xây dựng qua thời gian và do bên thứ ba độc lập kiểm định.  

Thực tế thời đại này đang khác, do bởi sức mạnh của truyền thông, của quảng cáo, của dịch vụ tư vấn tuyển sinh (ăn tiền hoa hồng), các thông tin đến với người học và xã hội rất khác với thực tế dịch vụ và chương trình họ được học. Chỉ có điều, sinh viên chỉ biết sự thật khi đã vào học!

Lấy ví dụ về kiểm định chương trình với nước ngoài. Hai trường có tên tuổi của Việt Nam có chương trình được kiểm định bởi ACICS – một tổ chức kiểm định ở Mỹ bị rút giấy phép hoạt động do vi phạm nghiêm trọng quy định về kiểm định [3], mà ở Việt Nam không thấy thông tin gì.  

{keywords}

Ảnh chụp từ website của Cơ quan An Ninh Nội Địa Mỹ

Hay cũng năm 2013, một đại học nổi lên vì “chương trình liên kết với đối tác nước ngoài vi phạm nghiêm trọng các quy định về điều kiện tuyển sinh và đào tạo”.

Vậy, trong những trường hợp như vậy, trách nhiệm của trường với sinh viên như thế nào? Trách nhiệm phải thông báo công khai về những đối tác yếu kém, vi phạm những quy định của pháp luật nước nơi trường nước ngoài đang hoạt động sẽ do ai phải thông báo tại Việt Nam, cho sinh viên Việt Nam?

Đa phần sinh viên không nắm rõ được quyền và trách nhiệm, do không biết, không đọc và không hiểu rõ để thực hiện Quy tắc Hành xử của Sinh viên, Quy trình khiếu nại và bảo vệ sinh viên và các văn bản khác. Vì sự thiếu hiểu biết đó, rất nhiều chuyện đã xảy ra, gây bất lợi cho sinh viên và cơ hội học tập của họ.  

Khi chúng ta nói đến công khai thông tin, minh bạch hoạt động của trường là nhằm nâng cao năng lực quản trị của đại học và cũng là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của sinh viên. Nhưng những quy định nào, những kênh phản ánh nào của Bộ GD-ĐT sẽ giúp cho sinh viên được quyền lên tiếng, được quyền xin bảo vệ khi những quyền và lợi ích của họ bị vi phạm?

Có cơ chế nào, có hệ thống nào, luật pháp nào sẽ bảo vệ sinh viên nếu bản thân lãnh đạo nhà trường không có đạo đức và quản trị nội bộ đủ tốt để bảo vệ sinh viên? Và trách nhiệm phản ánh, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý, của các bên thứ ba và của sinh viên như thế nào?  

Bộ GD-ĐT phải tạo ra được những hành lang pháp lý cho sinh viên trong Quy chế Công khai Thông tin này, nhằm để bảo vệ quyền lợi của họ. Hãy để sinh viên được làm chủ quyền họ đáng được hưởng!

Nguyễn Thị Lan Hương (NewAsia Global Learning)

Tài liệu tham khảo:

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Alternative_facts

[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tang-hoc-phi-30-o-truong-dh-kinh-te-quoc-dan-sinh-vien-co-quyen-len-tieng-317338.html

[3] https://studyinthestates.dhs.gov/2016/12/acics-loss-of-accreditation-what-it-means-for-schools-and-international-students

http://www.acics.org/commission%20actions/content.aspx?id=1476

https://www.bristoluniversity.edu/blog/bristol-university-and-hochiminh-university-of-technology/

https://www.insidehighered.com/news/2016/05/04/controversial-accreditor-acics-tried-shut-down-profit-was-blocked-judge