- Nhiều người dân hiếu kỳ đã kéo đến xem “hoa Ưu Đàm” 3.000 năm mới nở một lần xuất hiện trên pho tượng ở chùa Bình Long Tự (TP Phan Thiết).

Sau khi nhìn thấy hình ảnh được cho là hoa Ưu Đàm, nhiều người dân khác ở Bình Thuận đã phát hiện trong nhà mình cũng có loại “hoa” này xuất hiện trên dây xích, trái thanh long và cả trên ống nhựa dùng tưới cây…vào dịp Tết.

{keywords}

Hoa Ưu Đàm xuất hiện trên pho tượng ở chùa Bình Long Tự.

Các phật tử chùa Bình Long Tự kể lại, sáng mùng 5 Tết (1/2) một phật tử đến viếng chùa đã phát hiện và báo lại cho sư thầy và bạn bè. Sau đó nhiều người dân hay tin đã đến xem; do lượng người quá đông, chính quyền địa phương phải bố trí lực lượng bảo vệ dân phố đảm bảo an ninh trật tự.

Trao đổi với PV, ông Trần Thanh Vũ, Chủ tịch UBND phường Đức Long cho biết: “Đến chiều ngày 5/2, do vẫn còn người dân đến chùa xem hoa, nên UBND địa phương vẫn duy trì lực lượng bảo vệ dân phố có mặt ở hiện trường, đảm bảo an ninh trật tự và tổ chức giữ xe miễn phí cho người dân. Tuy số lượng người đến chùa nhiều nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn hay mất an ninh trật tự”.

{keywords}
Rất đông người hiếu kỳ đến chùa xem hoa

Khi được hỏi sẽ bố trí lực lượng bảo vệ đến khi nào mới chấm dứt, ông Vũ cho hay việc này thuộc quyền quyết định của cơ quan cấp trên. Theo ông Vũ, lãnh đạo Mặt trận TQVN tỉnh, Công an tỉnh và các ngành chức năng đã đến hiện trường ghi nhận sự việc nhưng chưa thấy có ý kiến gì.

Hoa xuất hiện nhiều nơi khác

Sau khi hình ảnh về “hoa Ưu Đàm” ở chùa Bình Long Tự xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người Bình Thuận đã lập tức chia sẻ thông tin việc họ cũng thấy hoa giống hệt như vậy xuất hiện ở nhà họ trong dịp Tết Đinh Dậu này.

Anh N.K nhà ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết, sáng mùng 2 Tết (29/1) anh phơi quần áo phía sau nhà thì nhìn thấy hoa này mọc trên sợi dây xích bằng sắt mà anh dùng để treo đồ. Do nghĩ chắc là một loại nấm gì đó nên anh không quan tâm. Đến khi thấy hình chụp hoa Ưu Đàm ở chùa Bình Long Tự, anh K kiểm tra lại trên sợi dây xích sắt thì thấy giống hệt.

{keywords}

Hoa Ưu Đàm mọc trên sợi dây xích sắt 

Một trường hợp khác ở thôn Phú Sum, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), vào sáng mùng 6 Tết (2/2) anh X.T khi đi tưới thanh long trong vườn nhà cũng phát hiện hoa này mọc trên trái thanh long.

Một chủ vựa thanh long ở Hàm Thuận Nam còn đưa cho chúng tôi xem hình ảnh về “hoa Ưu Đàm” trên trái thanh long chín đỏ do chị này chụp lại cách đây vài tháng trước Tết Đinh Dậu.

Ngoài ra một số người ở Bình Thuận cũng đã chia sẻ hình ảnh về “hoa Ưu Đàm” mà họ đã nhìn thấy xuất hiện trên xe tải, ống nhựa…

Chỉ là một loài nấm

Theo kinh Phật ghi chép, “Ưu Đàm Bà La” (tức hoa Ưu Đàm) trong tiếng Phạn có nghĩa là một loài hoa mang đến điềm lành từ Thiên Đàng, chỉ khai nở 3.000 năm một lần. Chính điều này khiến cho nhiều người khi nghe đến hoa Ưu Đàm đã vô cùng kinh ngạc và nghĩ đến chuyện tâm linh.

Tuy nhiên, theo Đại đức Pháp Trí ở chùa Từ Đàm (Huế) thì những người nghiên cứu kinh Phật trên khắp thế chưa ai tìm thấy tài liệu nào khẳng định loài hoa mà mọi người đang gọi là hoa Ưu Đàm là Ưu Đàm Bà La trong kinh Phật.

{keywords}

Hoa Ưu Đàm mọc trên trái thanh long 

Khi quan sát qua kính hiển vi có độ phóng đại lên 400 lần, GS.TSKH Trịnh Tam Kiệt, Phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, kết quả loài hoa mà người ta gọi tên là hoa Ưu Đàm chỉ là sinh vật bậc thấp, chưa có cấu trúc mô. Có thể gọi tên đúng của “hoa” này là nấm nhầy bởi cơ thể là một khối nhầy, khi muốn sinh sản sẽ tạo ra các thể sinh sản mang bào tử. Khi có điều kiện thích hợp, môi trường thuận lợi sẽ phát triển.

Theo GS Kiệt, sở dĩ người ta thường thần thánh hóa loài nấm này là vì sự xuất hiện của chúng cũng thực sự đặc biệt. Chúng thường xuất hiện trên các bức tượng Phật bằng đồng, đá hoặc các thanh thép, lá cây…tuy nhiên phải là môi trường tốt lành, điều kiện môi trường sinh thái tốt chúng mới xuất hiện.

“Do đây chỉ là một loài nấm, khi có môi trường tốt nó sẽ phát triển ở bất cứ nơi đâu, vì vậy nên chúng ta không nên thần thánh hoá nó”, GS Kiệt khẳng định.

Lê Huân