- Thống kê đến cuối ngày hôm qua có 11 người tự ứng cử ĐBQH ở 8 tỉnh, thành phố được lập danh sách. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM, Sóc Trăng, mỗi nơi có 2 người.

Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ TT&TT phối hợp tổ chức sáng nay tại TP.HCM lớp tập huấn báo chí tuyên truyền về bầu cử ĐBQH khóa 14 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc, Phó cục trưởng phụ trách Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong tuyên truyền thành công cuộc bầu cử.

{keywords}

Ông Lưu Đình Phúc, Phó cục trưởng phụ trách Cục Báo chí, Bộ TT&TT

Ông nhấn mạnh 7 vấn đề lớn báo chí cần tập trung trong bối cảnh từ nay đến bầu cử chỉ còn hơn 1 tháng nữa.

Trong đó, làm rõ 3 điểm mới chủ đạo trong chỉ thị 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị.

Đó là giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu QH, HĐND.

Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.

Giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của luật Bầu cử.

Bên cạnh đó, tuyên truyền những đổi mới của QH trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của HĐND trong việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của QH khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021 và Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng.   

Báo chí cũng cần tập trung giới thiệu những điểm mới trong công tác bầu cử lần này.

Đó là những điều chỉnh, bổ sung cụ thể về bộ máy thực hiện công tác bầu cử từ TƯ đến địa phương; quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử ĐBQH do TƯ giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người tự ứng cử; việc tuyên truyền vận động bầu cử, giải quyết khiếu nại tố cáo… giới thiệu nội dung của luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015…

Ngoài ra, tuyên truyền tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu QH, HĐND được quy định tại luật Tổ chức QH và luật Tổ chức chính quyền địa phương, quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử; các hoạt động trong quá trình tiếp xúc cử tri; các quy định về trình tự, thể thức bầu cử…

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch MTTQ Việt Nam đã giới thiệu tại tập huấn về công tác hiệp thương và vận động bầu cử.

Theo đó, cập nhật con số mới nhất tổng hợp đến chiều qua cho thấy, cả nước có 879 người ứng cử đại biểu QH, trong đó ứng cử ở TƯ 197 người, địa phương 682 người.

Ứng cử ở TƯ có 29 người là phụ nữ, người ngoài Đảng: 7 (tất cả đều nằm trong MTTQ Việt Nam).

Ở khối địa phương, số ứng cử viên là phụ nữ có đến 315 người (46,9%). Trong lịch sử chưa bao giờ số ứng cử đại biểu QH là phụ nữ đông đảo như lần này. Nếu cộng 29 người ứng cử ở khối TƯ thì khối phụ nữ ứng cử ĐBQH khóa này có 344 người, tương đương 39%, vượt yêu cầu là 35%. So với QH khóa 13, số đại biểu QH là phụ nữ là 262 người, chiếm 31,49%.

Số người ứng cử dưới 40 tuổi là 265 người (khối địa phương), cũng cao hơn QH khóa 13.

Về tự ứng cử, thống kê cuối ngày hôm qua có 11 người tự ứng cử (QH khóa 13 có 15 người tự ứng cử, 4 người trúng).

Theo ông Pha, 11 người tự ứng cử ĐBQH năm nay có chất lượng rất tốt, các địa phương lựa chọn kỹ càng.

Kết thúc hiệp thương lần 3 chưa có khiếu nại về vi phạm pháp luật hay dân chủ.

Linh Thư