Khảo sát sơ bộ của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho thấy, tỷ lệ sử dụng năng lượng trong các tòa nhà cao tầng ở mức rất cao, chiếm khoảng 37-38% năng lượng tiêu thụ của cả nước.

Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, thời tiết ngày càng khắc nghiệt,như tại Hà Nội những ngày qua nắng tới 40 độ C; thậm chí, trưa 23/6, nhiệt độ ngoài trời đo được vượt mức 65 độ C, không khí oi bức bao trùm toàn thành phố,... cho thấy thực trạng mất cân bằng sinh thái cũng như việc sử dụng năng lượng lãng phí, thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng hơn. Từ đó đặt ra những bài toán mới cho các nhà phát triển dự án chung cư cao tầng.

Theo tính toán của các chuyên gia Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, một cao ốc nếu được thiết kế hợp lý thì không chỉ tiết kiệm được 30% điện năng tiêu thụ, 30-50% lượng nước sử dụng của tòa nhà, mà còn giảm được 35% khí thải CO2 và giảm 50-90% các loại rác thải khác.

{keywords}
Tiết kiệm điện năng tại các chung cư

Đưa ra giải pháp, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng), cho biết, ở chung cư, tường ngoài là bộ phận chịu tác dụng của bức xạ mặt trời lớn nhất.

Diện tích dùng kính trên mặt nhà không nên vượt quá 20-35%, cần phải sử dụng các vật liệu cách nhiệt trên mặt đứng công trình, kết hợp với các giải pháp che nắng. Không bao giờ sử dụng kính 1 lớp cho nhà ở chung cư cao tầng. Cần phải sử dụng kính 2 lớp và kính màu, kính phản quang để giảm lượng bức xạ mặt trời chiếu vào.

Bà Thuận cho rằng, áp dụng công nghệ vào ngành xây dựng là nhu cầu cấp thiết. Bà dẫn chứng, tiết kiệm năng lượng thông qua hệ thống bật tắt đèn thông minh, tự động điều khiển mành rèm, điều khiển từ xa các thiết bị gia dụng, điều hòa nhiệt độ,...

Ứng dụng công nghệ vào xây dựng các dự án nhà ở thông minh đang là xu hướng. Tại Việt Nam, nhà thông minh đã phát triển 10 năm trở lại đây. Trong giai đoạn đầu, nhà thông minh được xem là sản phẩm xa xỉ và chỉ phù hợp với các biệt thự hay căn hộ sang trọng. Đến nay, chi phí để lắp đặt một ngôi nhà thông minh đã giảm nhiều và gần như phù hợp với phần lớn khách hàng.

Quảng cáo khác thực tế

Khảo sát thị trường cho thấy nhiều chủ đầu tư quảng cáo là dự án xanh, nhưng không lý giải rằng xanh như thế nào, các tiêu chí không đồng nhất với nhau. Bên cạnh đó, khó khăn khác với công trình xanh, theo chuyên gia Vũ Hồng Phong “gói vay của ngân hàng hỗ trợ tài chính để xây dựng dự án xanh, người mua nhà ở xanh, căn hộ xanh là không có”.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Giám đốc điều hành EnCity (Singapore) cho rằng, việc biến hình ảnh thiết kế, bản vẽ đẹp thành hiện thực là rất khó. “Khi vẽ rất đẹp, nhưng làm thực tế sẽ có rất nhiều biến số, nếu không hiểu thị trường sẽ không làm được”, ông nói.

Với kinh nghiệm thực tế, TS. KTS. Trần Minh Tùng bày tỏ quan điểm, nhiều người cứ nghĩ rằng công nghệ thông minh là phải đưa thật nhiều thứ, nhiều công nghệ mới vào. Ông cho biết: “Thời đại 4.0, chúng ta đã nói rất nhiều về công nghệ hightech, nhưng trong quá trình nghiên cứu, làm nghề, tôi cho rằng người Việt Nam có vẻ lowtech nhiều hơn”.

Ngoài ra, TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận kiến nghị, các công nghệ sử dụng để đánh giá các công trình xanh cũng cần phải đưa vào một quy chuẩn và bắt buộc chủ đầu tư phải đưa vào ứng dụng trong các công trình và xây dựng các công trình theo các tiêu chí đó.

Duy Anh