Thị trường chứng khoán chứng kiến dòng tiền đổ vào mạnh bất chấp nhiều cổ phiếu lớn, trong đó có cổ phiếu của nhiều đại gia như ông Đoàn Nguyên Đức, ông Nguyễn Đăng Quang... gặp khó khăn. Đặc biệt, tỷ phú Bùi Thanh Nhơn có thể sẽ đau đầu hơn khi chứng kiến khối hàng tồn kho lên đến gần 1 tỷ USD.
Sau 2 phiên sôi động tăng mạnh trở, thị trường chứng khoán đón nhận thêm tín hiệu tích cực là dòng tiền đổ vào mạnh hơn với thanh khoản lên 5,5 ngàn tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua vào.
Dòng tiền đang xoay chuyển liên tục từ các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh sang các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều và sang nhóm cổ phiếu đã tích lũy được một chút sau một thời gian dài tăng giá trong hơn nửa năm qua.
Kết quả kinh doanh tích cực từ một số nhóm ngành, trong đó có sự ấn tượng của các cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng… cũng giúp thị trường hưng phấn, các nhà đầu tư dẹp bớt lo ngại về áp lực chốt lời ở các cổ phiếu đã tăng giá mạnh.
Trong nhóm ngân hàng, một số cổ phiếu có tăng trưởng bứt phá với lợi nhuận quý 2 tăng ít nhất 2 con số như Ngân hàng Á châu (ACB), VietinBank (CTG), Eximbank (EIB)… Nhiều cổ phiếu nhóm bảo hiểm, xây dựng và bất động lớn lớn cũng có kết quả kinh doanh quý 2 tích cực như Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng, Hòa Bình (HBC), Bảo Việt (BVH). Xây dựng Hòa Bình (HBC) có lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, quý 2 cũng chứng kiến sự đi xuống của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Masan của nhà ông Nguyễn Đăng Quang, Novaland của nhà tỷ phú USD Bùi Thành Nhơn, Bia Sài Gòn - Sabeco (SAB)…
Sự sôi động của thị trường chứng khoán tiếp tục là động lực giúp nhiều cổ phiếu chứng koans, trong đó có MBS (Chứng khoán Quân đội), VCI (Chứng khoán Bản Việt), APS, VND, SSI, TVB, AGR, HCM, HBS… tăng mạnh.
Thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động. |
Sau thông tin cổ phiếu PGD được một tổ chức từ Nhật - Tokyo Gas - mua gần 25% với giá cao hơn giá thị trường khá nhiều, giới đầu tư trong nước tỏ ra hào hứng với nhóm cổ phiếu ngành dầu khí. Giá dầu đang phục hồi cũng là yếu tố tích cực.
Có thể thấy, dòng tiền đang tiếp tục đổ mạnh vào thị trường. Mặc dù vậy, một điểm khác so với các lần sôi động trước đây là: giới đầu tư khá thận trọng, sử dụng margin thấp và theo sát các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Cổ phiếu MSN của Masan Group của nhà ông Nguyễn Đăng Quang tăng trở lại sau gần 2 tháng suy giảm liên tục do giới đầu tư dự báo trước về kết quả kinh doanh không thuận lợi. Masan Group vừa báo cáo lợi nhuận giảm mạnh khoảng 2/3 do giá lợn giảm và các yếu tố không tích cực khác.
Cổ phiếu ngành bia Habeco (BHN) và Sabeco (SAB) suy yếu trong cả tuần qua. Các doanh nghiệp này vừa công bố lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ. Thông tin nhà nước đẩy nhanh thoái vốn không còn góp phần giúp các cổ phiếu này tăng mạnh nữa.
Trong ngành xây dựng và bất động sản, không phải doanh nghiệp nào cũng gặp thuận lợi, bán được hàng và lợi nhuận tăng mạnh.
Đại gia bất động sản Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn chứng kiến lợi nhuận quý 2 giảm hơn 2/3 do tồn kho cao, lên tới gần 1 tỷ USD. Cổ phiếu NVL giảm phần lớn thời gian trong 2 tuần qua.
Cổ phiếu HNG của HAGL Agrico của nhà ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) tăng liên tục trong 5 phiên vừa qua do kỳ vọng lợi nhuận cao. Tuy nhiên, Bầu Đức thực sự gây sốc trên thị trường bởi khoản lãi đột biến trong quý 2 (hơn 1 ngàn tỷ đồng) nhưng lại bị hồi tố khoản lỗ ròng 750 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh của năm 2016. Tuy nhiên, HNG của Bầu Đức rõ ràng đã có chuyển biến tích cực sau một thời gian dài tái cơ cấu nợ. Doanh thu từ mảng mới cây ăn quả đang đóng góp lớn cho doanh nghiệp này.
Một điểm nhấn khác trên thị trường là cú giảm giá rất mạnh cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen (HSG) nhà ông Lê Phước Vũ do kết quả kinh doanh quý 2 yếu kém. Cả chục triệu cổ phiếu được trao tay ở mức giá sàn cho thấy áp lực là rất lớn nhưng kỳ vọng cũng không nhỏ. Trước đó, ông Lê Phước Vũ đã thắng lớn khi bán cổ phiếu ở mức giá cao kỷ lục khoảng 32.000 đồng/cp và hiện đang đăng ký mua lại với giá thấp hơn khá nhiều.
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán đang phát ra tín hiệu tích cực, khối ngoại vẫn đang mua vào mạnh. Nhiều cổ đông vẫn đang gia tăng tỷ lệ sở hữu ở nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, với một mặt bằng giá cao mới như hiện tại, áp lực bán chốt lời vẫn còn lớn, nhất là mỗi khi VN-Index tăng thêm và đang ở sát đỉnh cao 9 năm như hiện tại.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/7, VN-index tăng 6,46 điểm (+0,32%) lên 783,55 điểm; HNX-Index tăng 0,63 điểm (+0,63%) lên 101,18 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 5,4 ngàn tỷ đồng.
H. Tú