Điều khiến chúng ta quan tâm trong vụ rò rỉ Panama Papers (tạm dịch là Tài liệu Panama) không chỉ là sự sụp đổ của một hệ thống thuế toàn cầu, mà là sự sụp đổ của cả một hệ thống quản lý toàn cầu.

Thủ tướng Iceland, Sigmundur David Gunnlaugsson đã tuyên bố từ chức sau những bê bối liên quan đến hồ sơ Panama. Ông Gunnlaugsson đã chịu sức ép nặng nề từ dư luận sau khi những tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca, một công ty luật của Panama, ghi rằng ông bí mật sở hữu một công ty nước ngoài có tên Wintris Inc., một doanh nghiệp được cho là từng nắm trong tay cổ phần của nhiều ngân hàng lớn đã phá sản của Iceland trước đây.

Panama trước nay luôn là một trong những "thiên đường" thuế tốt nhất trên thế giới, cả trong và sau thời Tướng Manuel Noriega cầm quyền. Và Mossack Fonseca (công ty luật của một chuyên gia về thuế người Thụy Sĩ tên là Jurgen Mossack và đối tác người Panama Ramon Fonseca) là một trong những người chơi chính trong thế giới của các "thiên đường" thuế này.

Nếu nghĩ theo logic đó sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nghe tin vụ rò rỉ hơn 11 triệu trang tài liệu của Mossack Fonseca gần 40 năm qua liên quan đến hơn 210.000 công ty, quỹ ủy thác, các tổ chức tài chính và cả các lãnh đạo thế giới, cho thấy Mossack Fonseca đã cung cấp các dịch vụ để tạo điều kiện rửa tiền, tránh thuế, trốn thuế và cả các hoạt động tội phạm… Các công ty ở nước ngoài kiểu đó đã được thành lập để thực hiện các vai trò bẩn thỉu như vậy cho những người giàu có và quyền lực đang điều hành thế giới.

{keywords}
Điều khiến chúng ta quan tâm trong vụ rò rỉ tài liệu Panama không chỉ là sự sụp đổ của một hệ thống thuế toàn cầu, mà là sự sụp đổ của cả một hệ thống quản lý toàn cầu. Ảnh: abcnews.

Điều đáng ngạc nhiên là, theo ông Mark Hays, cố vấn cao cấp của Global Witness (một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giám sát chống tham nhũng quốc tế), chỉ có một công ty luật thực hiện phi vụ này nhưng có tới hàng nghìn công ty liên quan đến việc vạch ra âm mưu này.

Một trong những câu hỏi chính sau vụ rò rỉ lớn nhất thế giới từ trước tới nay trên truyền thông này là liệu chúng ta có nên quan tâm đến sự tồn tại của một mạng lưới tham nhũng toàn cầu, và liệu có thể làm gì hay không? Câu trả lời có trong cả hai trường hợp.

Trong một thế giới cực kỳ bất công và có vô vàn các vấn đề xã hội như hiện nay, các tác động về kinh tế, xã hội và chính trị của việc tránh thuế, trốn thuế nhờ các "thiên đường" thuế là rất lớn. Nếu không có thuế, các xã hội của chúng ta sẽ không thể vận hành vì sẽ không cung cấp được các dịch vụ công cộng chính yếu.

Nhưng trong khi người công nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hàng ngày phải trả đủ các khoản thuế của mình, các tập đoàn toàn cầu và những người siêu giàu lại đang trả thuế ngày một ít đi trong nhiều năm liền cùng với sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và sự mở rộng của các "thiên đường" thuế ở nước ngoài.

Theo đánh giá của Tax Justice Network năm 2012, khoảng 21.000 - 32.000 tỷ USD đang được những người siêu giàu trên thế giới giấu trong các công ty ở nước ngoài. Hãy tưởng tượng xem, bao nhiêu trường học và bệnh viện đã có thể được xây tại nhiều nước khác nhau bằng tiền thu thuế đối với số tài sản “đen” khổng lồ này. Tưởng tượng xem sự bất công sẽ giảm đi như thế nào ở trong một nước cũng như giữa các quốc gia với nhau nếu vấn đề tránh thuế, trốn thuế trên không xảy ra. Tưởng tượng xem vấn đề người tị nạn sẽ bớt đau đớn và bớt nghiêm trọng đến mức nào nếu lượng tài sản bị giấu giếm này có thể được đem ra sử dụng cho mục đích công.

Những "thiên đường" thuế như vậy đã cho phép một số người giàu nhất và quyền lực nhất Trái đất tham nhũng và tránh thuế trên quy mô toàn thế giới. Trong khi người nghèo càng nghèo hơn.

Đây là những thực tế mà tất cả đều biết rõ, chả thế mà cách đây vài năm, các lãnh đạo Nhóm các nước phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) đã nhất trí đưa vấn đề tránh thuế và "thiên đường" thuế làm ưu tiên trong chương trình nghị sự của mình. Nhưng chẳng có gì được làm kể từ đó và vấn đề về các "thiên đường" thuế ở nước ngoài vẫn chưa được giải quyết, dù rằng có thể vụ rò rỉ Panama Papers sẽ có một tác động đáng kể nào đó đến khả năng những người siêu giàu giấu tài sản của mình trong tương lai. Với Panama Papers, giờ đây chúng ta có thể nói rằng các pháo đài bí mật ở nước ngoài cuối cùng đã bị đập vỡ. Một kỷ nguyên mới có thể sẽ mở ra sau vụ việc chấn động này. Bên cạnh các tác động về tài chính, Panama Papers chắc chắn sẽ gây ra những cú sốc chính trị, thậm chí một số người hy vọng có thể dẫn tới một sự thay đổi trong sự lãnh đạo toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế chính trị C J Polychroniou khẳng định vụ rò rỉ Panama Papers cho thấy không chỉ một hệ thống thuế toàn cầu đang sụp đổ mà cả sự quản lý toàn cầu. Theo ông, thách thức lớn nhất hiện nay là thay đổi chính chủ nghĩa tư bản toàn cầu.

Trong vài năm trở lại đây đã có những vụ rò rỉ tương tự. Đầu tiên là vụ Cayman Islands năm 2013, cho thấy rất nhiều những người “có máu mặt” trên thế giới đang bí mật nắm giữ các tài khoản ở quần đảo nhỏ bé thuộc Vương quốc Anh này. Sau đó là vụ rò rỉ HSBC cho thấy ngân hàng tư nhân ở Thụy Sĩ của tập đoàn này đã giúp các chủ tài khoản giàu có từ các nước khác giấu những khoản tiền khổng lồ lẽ ra phải chịu thuế. Giờ đây đến lượt Panama, một "thiên đường" hoàn hảo để cất giữ một lượng tiền lớn. Câu hỏi đặt ra là: “Đâu là những thiên đường còn an toàn?” và “sau thủ tướng Iceland từ chức, ai tiếp theo?

Thảo Linh

* Phanh phui "bí mật động trời": Số phận nào chờ đợi
* Sự thật gây sốc về hồ sơ Panama
* Hàng trăm nhà báo "xử" hồ sơ Panama thế nào?