Chặng đường hơn 10 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Sự phát triển của quốc gia đến từ thành công của các địa phương.
Bên cạnh các địa phương phát triển luôn duy trì sức tăng trưởng cao, các tỉnh khó khăn - nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống - vẫn luôn nỗ lực để đạt tăng trưởng khá, với ý chí, quyết tâm không để địa phương mình bị bỏ lại phía sau, để nhân dân các dân tộc ngày càng có cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn lực Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ưu tiên bố trí thực hiện cho địa bàn dân tộc, miền núi, chiếm 70% tổng vốn Chương trình qua các giai đoạn. Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 52,5% tổng dư nợ cả nước trên địa bàn miền núi, dân tộc.
Với những quyết tâm và nguồn lực tập trung đầu tư mạnh mẽ như vậy, chúng ta vui mừng nhận thấy, đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thuỷ lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 80% thôn có đường cho xe cơ giới; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 100% đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí.
Bên cạnh đó, các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn, phát huy, không chỉ trở thành một tài sản tinh thần cho thế hệ sau mà còn là tài nguyên mới cho sự phát triển, nhất là du lịch… Nhìn một cách tổng quát, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bao giờ được khởi sắc như ngày nay.
Song song với những thành tựu to lớn, vẫn còn nhiều hạn chế trong thực hiện công tác dân tộc. Theo đó, Nhà nước đã đầu tư đáng kể vào kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi ở nhiều nơi, các dự án đầu tư vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội mong muốn. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung chuyển biến chậm.
So với sự phát triển của cả nước và ở từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao, khoảng cách thu nhập so với cả nước ngày càng giãn cách. Kỹ năng lao động của người dân tộc thiểu số còn thấp, khiến cho cơ hội việc làm hạn chế, thu nhập chậm được cải thiện. Hiện tượng di cư tự do, vấn nạn tàng trữ, buôn bán, sử dụng chất ma túy ở một số thôn bản còn diễn ra phức tạp; tình hình an ninh, trật tự ở các tuyến biên giới, cửa khẩu có nhiều thách thức…
Cộng đồng các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời và là máu thịt của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”; đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc đòi hỏi trong giai đoạn tiếp theo, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở cần tiếp tục nỗ lực, kiên trì và sáng tạo.
Các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định đầu tư sẽ tiếp sức cho những khát vọng vượt khó vươn lên, phấn đấu làm giàu chính đáng, ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Bảo Phùng, Giao Linh, Hồng Hạnh, Bảo Phùng, Minh Hưng