Sạc nhanh đã trở thành 1 trong những tính năng cần phải có trên những chiếc điện thoại Android. Nó giúp người dùng sạc đầy chiếc smartphone trong vòng chưa đến 1 giờ.
2020 là một năm mà sạc siêu nhanh đã thực sự trở thành xu hướng chủ đạo, với những bước tiến lớn từ các nhà sản xuất. Nhờ điều đó, những chiếc điện thoại ngày nay thường đạt mức công suất 65W khi sạc. Bên cạnh đó, khả năng sạc trên 100W cũng đã xuất hiện trên thị trường thương mại trong năm nay.
Các giải pháp sạc nhanh ngày này thường là những công nghệ độc quyền. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể sử dụng các cục sạc lẫn cáp sạc bên thứ 3 để nạp năng lượng cho những thiết bị này, dù ở tốc độ chậm hơn.
Mới đây, Android Authority đã thử nghiệm hàng loạt những chiếc điện thoại được ra mắt trong năm nay nhằm tìm ra đâu là chiếc smartphone sạc nhanh nhất trong năm 2020. Lưu ý rằng, Android Authority đã tắt khả năng sạc thích ứng nếu có. Điều này giúp tìm ra tốc độ sạc tối đa thực tế như các hãng đã công bố.
Những chiếc điện thoại sạc nhanh nhất trong năm 2020
Có một "vị vua" mới khi nói đến tốc độ sạc trên smartphone, đó là Xiaomi Mi 10 Ultra, đánh dấu ngưỡng công suất sạc 120W cho thiết bị di động. Tuy vậy, nhiều thử nghiệm xác nhận, chiếc điện thoại này không thực sự sạc ở các công suất gần ngưỡng 120W (gần giống 80W hơn).
Thực tế, công suất sạc hơn 100W lại khiến chúng ta lo ngại về sự suy giảm chất lượng pin. Tuy nhiên, trước đây, Xiaomi từng xác nhận với Android Authority rằng, dung lượng pin sẽ giảm còn 90% sau 800 chu kỳ sạc. Do đó, bạn sẽ không thấy tuổi thọ pin giảm đi đáng kể trong vòng 2 năm, ít nhất là theo lời Xiaomi.
Chiếc điện thoại của Xiaomi cũng nổi trội hơn nhờ vào việc sử dụng công nghệ GaN cho bộ sạc. Vật liệu này mang lại độ hiệu quả năng lượng cao hơn cũng như nhiệt độ mát hơn. Một điều cần lưu ý rằng, nhiệt độ chính là tác nhân quan trọng đối với sạc nhanh cũng như sức khỏe của pin. Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại: dựa theo thử nghiệm từ Android Authority, Xiaomi Mi 10 Ultra đã vượt 43°C khi sạc 80W, quá hơn rất nhiều ngưỡng an toàn 40°C.
May mắn thay, bộ sạc 120W của Xiaomi chỉ lãng phí 7,3% điện năng lấy từ ổ cắm. Trong khi đó, các bộ sạc đi kèm của Google, Samsung và Huawei lại lãng phí 15% – 19% điện năng từ ổ cắm. Thế nên, bất chấp những lo ngại về nhiệt độ cũng như tốc độ sạc thấp hơn so với quảng cáo, nó vẫn rất hiệu quả.
BBK cũng là một cái tên nổi bật với 6 đại diện nằm trong top 10, bao gồm Realme X50 Pro (vị trí thứ 2), Oppo Find X2 Pro (vị trí thứ 3), Realme X3 Superzoom (vị trí thứ 6), OnePlus Nord (vị trí thứ 7), OnePlus 8 Pro (vị trí thứ 8) và OnePlus 8 (vị trí thứ 10).
Thú vị là dù có dung lượng pin tương đương và hỗ trợ sạc 65W, nhưng tốc độ sạc giữa Realme X50 Pro và Oppo Find X2 Pro lại khá khác nhau. Riêng với Oppo Find X2 Pro, nó lại có thể đạt 99% dung lượng pin trong 33 phút và mất thêm 10 phút nữa để chạm ngưỡng 100%. Thiết bị này không có bất kỳ nút bật/tắt nào cho tính năng sạc nhanh.
Dù bằng cách nào đi nữa, không phải lúc nào tốc độ tối đa cũng được chuyển hóa thành nhiều năng lượng hơn và sạc nhanh hơn khi sử dụng trong thực tế. Chẳng hạn, Realme X3 Superzoom dù được quảng bá là có công suất sạc 30W, thế nhưng, nó chỉ kém vài phút so với con số 66W trên Huawei Mate 40 Pro.
Hai chiếc điện thoại khác cũng gây ấn tượng không kém là Galaxy S20 Ultra và Poco X3. Chắc chắn, chúng sẽ không thể sạc đầy pin với thời gian chưa đến 1 giờ, nhưng lại có dung lượng pin lớn nhất. Trong thử nghiệm này, Android Authority chỉ sử dụng bộ sạc 25W đi kèm bên trong, dù rằng nó có thể hoạt động với công suất tối đa 45W. Dẫu vậy, viên pin 5.000mAh bên trong cũng nhanh chóng được sạc đầy. Trong khi đó, Poco X3 NFC lại được trang bị 5.160mAh cùng bộ sạc 33W, và tốc độ sạc đầy cũng chỉ nhanh hơn Galaxy S20 Ultra 1 phút. Đó rõ ràng là bằng chứng cho thấy, con số Watt không phải là tất cả để có được kết quả tốt nhất.
Poco X3 NFC và OnePlus Nord là 2 điện thoại tầm trung duy nhất nằm trong danh sách. Hi vọng, số lượng thiết bị giá rẻ trong danh sách này sẽ nhiều hơn trong năm sau.
Không chỉ công suất sạc có dây, sạc không dây cũng đạt được những bước tiến ấn tượng. Hồi tháng 7, Oppo đã công bố công nghệ sạc không dây 65W. Tuy nhiên, ngưỡng tốt nhất mà họ có thể thương mại hóa đó là 40W trên Oppo Ace 2. Sau đó, Huawei cũng đã đưa khả năng sạc không dây 50W lên bộ đôi Mate 40 Pro. Con số này cao hơn so với các công suất sạc có dây trên những flagship Huawei trước đây.
Những chiếc điện thoại sạc nhanh sẽ còn đi đến đâu trong năm 2021?
Một trong những nhược điểm lớn nhất của sạc nhanh là nhiều thương hiệu áp dụng giải pháp sạc độc quyền thay vì các tiêu chuẩn phổ thông có thể sử dụng rộng rãi. Điều đó đồng nghĩa rằng những bộ sạc USB-C độc quyền có thể không hoạt động với các chiếc điện thoại khác. May mắn thay, ông trùm ngành chip di động, Qualcomm, đang thực hiện một bước tiến lớn trong lĩnh vực này.
Đầu năm nay, nhà sản xuất chip này đã công bố Quick Charge 5, cung cấp công suất sạc hơn 100W, với khả năng sạc đầy viên pin 4.500mAh trong vòng 15 phút. Nó cũng tương thích với cả các chuẩn Quick Charge cũ hơn cũng như chuẩn USB-PD PPS linh hoạt. Nói cách khác, các bộ sạc Quick Charge 5 sẽ mang đến tốc độ sạc cực nhanh cho những smartphone flagship năm 2021, đồng thời cũng hỗ trợ sạc cả Nintendo Switch hay các bộ tai nghe không dây của bạn.
Quick Charge 5 chắc chắn sẽ được đưa vào bộ xử lý Snapdragon 888. Con chip cao cấp mới nhất này sẽ được trang bị trên hầu hết smartphone từ những thương hiệu lớn trong năm 2021. Điều này mở ra cánh cửa cho hàng trăm chiếc điện thoại cung cấp khả năng sạc hơn 100W trong năm tới. Trên thực tế, Oppo và Realme cũng đã công bố công nghệ sạc 100W+ của riêng mình.
Ngay cả khi không có Quick Charge 5, nhiều thương hiệu cũng có thể áp dụng tiêu chuẩn USB-PD PPS, mang đến tốc độ sạc nhanh chóng mặt. Chẳng hạn, Mi 10 Ultra sử dụng USB-PD PPS để đạt công suất sạc 50W ấn tượng, hay Oppo cũng hỗ trợ nó trong công nghệ sạc nhanh 125W.
Một điều đáng lo ngại đối với sạc 100W+ đó chính là sự suy giảm pin. Như đã đề cập trước đó, Xiaomi đã trấn an người dùng rằng giải pháp vẫn sẽ đảm bảo 90% pin còn lại sau khoảng 2 năm sử dụng. Trước đó, khi công bố vào hồi tháng 7, Oppo cũng đã tiết lộ rằng công nghệ Flash Charge 125W sẽ khiến pin suy giảm 80% sau 800 chu kỳ sạc (chỉ hơn 2 năm). Thế nên, một chiếc điện thoại có viên pin 4.000mAh sau khi trải qua 800 chu kỳ sạc bằng công nghệ 125W của Oppo sẽ chỉ còn dung lượng 3.200mAh.
Sự xuống cấp pin trầm trọng này chắc chắn là một chủ đề đặc biệt quan trọng cần phải giải quyết trong năm 2021. Hầu hết các nhà sản xuất ngày nay đều gây khó dễ với người dùng trong việc tự thay pin điện thoại tại nhà.
Hi vọng, công nghệ pin cũng sẽ được cải tiến trong năm sau để có thể bắt kịp sự tiến bộ của sạc nhanh. Chúng ta đã thấy các thương hiệu như Oppo chia cụm pin thành 2 bên trong những chiếc điện thoại cũ như R17 Pro (2018) nhằm cải thiện tốc độ sạc. Xiaomi cũng đã áp dụng cách tiếp cận này cho "ông trùm" Mi 10 Ultra. Oppo lại có thêm một số cải tiến khác cho những thiết bị của mình, chẳng hạn như pin 6C để có thể chịu được dòng sạc/xả cao hơn.
Không rõ liệu chúng ta có thể thấy khả năng sạc 100W+ sẽ có trên những chiếc điện thoại giá rẻ năm sau hay không. Tuy nhiên, những thiết bị như Poco M2 Pro và OnePlus Nord N10 vẫn được nâng cấp khả năng sạc trong năm 2020, mang đến tốc độ 30W hoặc cao hơn. Đó là một minh chứng để chúng ta tin rằng số lượng điện thoại giá rẻ được trang bị này sẽ tăng lên trong năm tới.
Trên thực tế, Tổng Giám đốc Redmi, Lu Weibing từng cho biết, công nghệ sạc nhanh "có khả năng sẽ sớm xuất hiện trên những chiếc smartphone có giá khoảng 2.000 NDT (tương đương 7 triệu đồng)" khi đề cập đến các tiến bộ gần đây. Trước đây, Xiaomi cũng đã từng tung ra những chiếc điện thoại có khả năng sạc nhanh trên 30W trong danh mục này.
Năm 2021 cũng có thể tạo ra một xu hướng sạc khác. Nhiều thông tin cho rằng, Samsung có thể theo chân Apple trong việc loại bỏ bộ sạc smartphone bên trong hộp. Hiện chúng ta vẫn chưa thấy điều này diễn ra đối với các thương hiệu quảng cáo tốc độ sạc siêu nhanh. Tuy nhiên, các nhà sản xuất có thể cung cấp các bộ sạc hơn 100W bên trong hộp nhằm đảm bảo tốc độ sạc nhanh nhất. Dù bằng cách nào đi nữa, hi vọng, các OEM sẽ chuyển sang sử dụng các bộ sạc GaN hiệu quả hơn, mát mẻ hơn trong năm 2021.
(Theo VnReview, Android Authority)
Các đế sạc nhanh không dây hoạt động như thế nào?
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều thiết bị sử dụng sạc không dây, chúng tôi sẽ giới thiệu nguyên lý hoạt động của sạc nhanh không dây và trả lời câu hỏi liệu những đế sạc này có còn được cải thiện hơn nữa không?