Nữ nhà báo Thu Hồng có một thời gian rất dài được lãnh đạo Đài PTTH Hà Nội phân công làm phóng viên chuyên trách theo dõi hoạt động của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng đến tận khi ông được Đảng giao trọng trách Chủ tịch Quốc hội và sau nữa là Tổng Bí thư.
Chị Thu Hồng cũng có thời gian được phân công chuyên trách theo dõi hoạt động của một số vị nguyên thủ khác trong các chuyến công tác nước ngoài.
Năm 2008, Bí thư Thành ủy Hà nội dẫn đầu Đoàn đại biểu Thủ đô thăm chính thức Bắc Kinh, Trung Quốc. Do ngân sách hạn hẹp nên đoàn chỉ có phóng viên quay phim được tham gia. Chuyến đi rất tốt đẹp nhưng tin tức đưa không nhiều…
Hôm sau, chị Thu Hồng gặp Bí thư Thành ủy - ông Nguyễn Phú Trọng – để kể chuyện chuyến đi và bày tỏ “nếu làm được một phóng sự tổng hợp về chuyến đi thì hay quá!”. Chị Hồng đề nghị Bí thư kể thật chi tiết về chuyến đi, những câu chuyện và cảm xúc của từng sự kiện.
Cuộc trò chuyện kéo dài gần 3 giờ đồng hồ. Và 3 ngày sau là một phóng sự dài 20 phút về chuyến thăm của Bí thư Thành ủy đến Bắc Kinh. Xem xong Bí thư Thành ủy rất cảm động. Ông tấm tắc khen: “Con bé này làm tốt quá, cứ như là thành viên chính thức tham gia đoàn".
Còn nhà báo Thu Hồng thì tâm sự “phim hay trước hết là vì những cảm xúc của Bí thư, những thông điệp chính trị hữu hảo, chân tình. Tôi cũng đến Bắc Kinh nhiều lần và những nơi đoàn tới cũng là nơi tôi đã đặt chân nên mường tượng ra tất cả, Bí thư mới là người truyền cảm xúc cho tôi”.
Bắt đầu từ sự kiện đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng (sau đó ông làm Chủ tịch Quốc hội rồi Tổng Bí thư) đã và luôn dành cho nhà báo Thu Hồng cùng anh em của Đài PTTH Hà Nội tình cảm đặc biệt. Thứ tình cảm của một người thầy lớn về nghề báo, một người anh lớn đầy kính trọng trong đời sống thường nhật, một tấm gương trong sáng, giản dị, giàu tình cảm, độ lượng và nhân hậu.
Sự cố nghề nghiệp và cú ‘thoát hiểm’
Với chị Thu Hồng, chắc trong cuộc đời làm báo hẳn không thể nào quên nổi lần chị gặp sự cố nghề nghiệp mà Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng, đã giúp ê kíp của chị. Nói khác đi là đã giúp Đài PTTH Hà Nội "thoát hiểm" - đó là tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa 11.
Sự cố nghề nghiệp ấy đã diễn ra ngày 20/5/2002 tại điểm bỏ phiếu Nguyễn Cảnh Chân, đơn vị bầu cử số 1, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây cũng là nơi bỏ phiếu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng.
Hôm ấy, phóng viên (PV) tác nghiệp đông vô kể, cả trong nước và quốc tế. Ai cũng trực bằng được để lấy hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu. Thế rồi trong chớp mắt sự kiện đã kết thúc. Khi ấy, PV quay phim nói với chị Thu Hồng, “chị ơi, em không lấy được hình ảnh Bí thư bỏ phiếu (ý là ông Nguyễn Phú Trọng) vì đồng nghiệp xô đẩy nhau và mọi việc diễn ra nhanh quá!”.
Nhà báo Thu Hồng và cả ê kíp choáng váng. Đài PTTH của Hà Nội mà lại không có hình ảnh Bí thư Thành ủy Hà Nội bỏ phiếu thì cả chương trình xem như không còn ý nghĩa gì. Biết nói sao với khán giả Thủ đô?
Chị kể: “Sau một lúc suy nghĩ, với tất cả lòng dũng cảm, cả nhóm chúng tôi quyết định đến số 7 Đặng Tất, nhà riêng của Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông vừa trở về, quần áo còn chưa thay. Ông mời cả nhóm ngồi rồi hỏi, có việc gì không các em?”.
Nhà báo Thu Hồng nói rất khẽ, tha thiết: “Anh ơi, anh cứu chúng em. Bạn quay phim lúc nãy chưa lấy được hình ảnh anh bỏ phiếu. Em lo lắm. Bây giờ phải làm thế nào ạ?”.
Bí thư Nguyễn Phú Trọng suy nghĩ và trả lời rất nhanh: “Chúng ta cùng quay lại nơi bỏ phiếu”. Ra đến nơi, các cán bộ phòng bỏ phiếu phường Quan Thánh giật mình lo lắng. Nhưng Bí thư Thành ủy cười rất tươi: “Chào các đồng chí, đồng chí nhà báo đề nghị Bí thư Thành ủy ghi lại hình ảnh phục vụ cho công tác tuyên truyền”.
Tất cả điều cười rất vui, còn cả kíp PV Đài PTTH Hà Nội thì cảm động đến không nói nên lời. Chia tay, Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng còn động viên: "Ổn chưa các em, về nhanh để còn kịp đưa tin!".
Thật là hú vía. Họ đã thoát hiểm mà không bị ông nặng lời chê trách lại chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở cần rút kinh nghiệm sau này tránh xảy ra như thế nữa...
Thật đúng là một bài học thấm thía "nhớ đời". Và điều mà họ biết ơn nhà lãnh đạo đáng kính Nguyễn Phú Trọng trong câu chuyện này, là với các nhà báo đàn em, là hậu sinh như chúng tôi, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quả là người độ lượng và luôn biết sẻ chia, thông cảm với những sơ suất ở các nhà báo nếu không may xảy ra sự cố.