Issey Moloney đã đăng ký trị liệu tâm lý từ năm 12 tuổi nhưng tận đến năm 17 tuổi cô vẫn chưa được chữa trị. Trong khi đó, mạng xã hội đã giúp cô gái khỏa lấp nỗi cô đơn của mình, Moloney chia sẻ.
Nhờ chúng, cô có thể kết nối với những người bạn mới dù phải ở nhà vì giãn cách Covid-19 và thậm chí là trở thành một nhà sáng tạo nội dung. Moloney đang sở hữu một kênh TikTok có đến 5,9 triệu người theo dõi, đăng tải nội dung về bạn bè, các mối quan hệ và sức khỏe tinh thần.
Một số video của cô còn có nội dung liên quan trực tiếp đến bệnh tâm thần như “Dấu hiệu của rối loạn nhân cách”. Có người còn nhờ cô chẩn đoán bệnh cho mình. Moloney cho biết cô đã tra cứu thông tin, tìm kiếm trên các website và trò chuyện với người nọ suốt một tuần.
Song, cô gái này lại không có bằng cấp liên quan đến lĩnh vực tâm lý. Nhiều người còn bình luận bên dưới, nói rằng cô đang gán bệnh cho người khác và cổ súy việc tự điều trị thay vì đến bác sĩ.
Loạn thông tin về sức khỏe
Theo Washington Post, hiện nay, những thông tin về sức khỏe tinh thần xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Những video TikTok có hashtag #mentalhealth thu hút hơn 43,9 tỷ lượt xem, đồng thời lượt đề cập về sức khỏe tinh thần trên mạng xã hội cũng tăng dần qua từng năm, theo số liệu của công ty Sprout Social.
Nhiều người tìm đến các "nhà trị liệu tâm lý" nghiệp dư trên TikTok thay vì đến bác sĩ. Ảnh: Claire Merchlinsky. |
Song, theo các chuyên gia, việc người trẻ chia sẻ những khúc mắc của mình trên mạng xã hội sẽ dễ bị các nhà quảng cáo lợi dụng và tạo cơ hội cho influencer về sức khỏe tinh thần phát triển.
Moloney cho biết có nhiều người đã bật khóc và liên tục cảm ơn cô vì đã giúp đỡ họ. “Tưởng chừng chỉ là hành động nhỏ nhưng những lời khuyên trên TikTok lại có ảnh hưởng lớn đến rất nhiều người”, cô nói.
Các influencer và người xem đều cho rằng những nội dung này rất hữu ích. Tuy nhiên, nhiều tài khoản nổi tiếng đã bị chỉ trích vì chia sẻ những lời khuyên không có sự kiểm chứng từ chuyên gia. Nhiều người còn bán khóa học, sách và thuê quảng cáo để phổ biến nội dung của mình.
Theo Washington Post, các “nhà tư vấn” tâm lý không chuyên này có thể chia sẻ về mọi thứ trên mạng xã hội mà không lo ngại về hậu quả. Trong khi đó, giới trẻ lại không phân biệt được sự khác biệt giữa lời tư vấn từ chuyên gia và mẹo nhỏ được chia sẻ tràn lan trên các mạng xã hội.
“Mặc dù các nhà trị liệu tâm lý không sử dụng mạng xã hội, bệnh nhân của họ lại dùng chúng và rồi lại chia sẻ những liệu pháp tâm lý họ được nhận lên các nền tảng này”, Sadaf Siddiqi, một nhà trị liệu tâm lý đồng thời là influencer trên Instagram, nói.
Chia sẻ với Washington Post, nhiều influencer cho biết mặc dù họ không phải chuyên gia nhưng họ cũng từng là nạn nhân khi không nhận được lời khuyên đúng đắn từ bác sĩ.
Những “chuyên gia tâm lý” nghiệp dư trên TikTok
Fisher-Quann (21 tuổi), chủ nhân kênh TikTok về bệnh tâm thần với 225.000 người theo dõi, cho biết cô thường xuyên nhận được tin nhắn từ những người có ý định tự tử và họ không hề nhận được sự giúp đỡ mà họ cần.
“Vì trước đó tôi đã không nhận được lời khuyên đúng đắn từ bác sĩ nên tôi thường không khuyên người khác đến gặp họ”, cô nói.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng được gắn mác là “chuyên gia tâm lý” trên các trang mạng xã hội. Có thể kể đến Klara Kernig, sở hữu 159.000 người theo dõi trên Instagram.
Cô đã nghiên cứu về chấn thương tâm lý, các vấn đề về mối quan hệ phụ thuộc và những biểu hiện của người luôn làm hài lòng mọi người thông qua sách vở và Internet. Cô hiện xây dựng nội dung về sức khỏe tinh thần của riêng mình như “5 điều bạn nghĩ là tốt nhưng thực chất chỉ đang cố làm hài lòng mọi người”.
“Tôi không có ý coi thường khuyên từ chuyên gia nhưng mọi người có nhiều cách khác nhau để tiếp cận thông tin và chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình”, Kernig chia sẻ.
Các nội dung về sức khỏe tinh thần đang tràn lan trên TikTok. Ảnh: The Washington Post. |
Mặc dù việc đưa ra tham vấn tâm lý và cung cấp những nội dung về sức khỏe tinh thần có nhiều điểm khác nhau, với mạng xã hội ranh giới giữa chúng rất dễ bị phai mờ.
Sở hữu 129.000 người theo dõi trên Instagram, Siddiqi thường xuyên nhận được những câu hỏi của bệnh nhân về các influencer tư vấn tâm lý khác trên mạng xã hội. Nội dung của họ rất tốt nhưng cô lo ngại rằng nhiều người sẽ dễ hiểu sai và đánh giá không đúng về bản thân mình hay người khác khi thiếu lời khuyên từ chuyên gia.
Do đó, người xem cần cân nhắc khi tiếp nhận những nội dung về sức khỏe tinh thần và đừng quá tin vào những influencer trên mạng xã hội, Nedra Glover Tawwab, một nhà tham vấn tâm lý có 1,5 triệu người theo dõi trên Instagram, chia sẻ. Ngoài ra, các mạng xã hội cũng nên có những biện pháp quản lý về những nội dung này.
“Giới trẻ nên tiếp cận những thông tin đã qua kiểm chứng từ bố mẹ hoặc trường học thay vì chỉ tham khảo từ Internet”, Jodi Miller, nhà nghiên cứu tại Johns Hopkins University School of Education, chia sẻ. Bên cạnh đó, theo Fisher-Quann, các influencer cũng nên cân nhắc về những lời khuyên tâm lý mà họ đưa ra.
“Mạng xã hội có thể rất có ích trong việc trị liệu tâm lý. Nhưng chính nó đôi khi cũng gây hại nếu sử dụng không đúng cách”, cô chia sẻ.
(Theo Zing)
Cơn sốt video ngắn từ TikTok đang hủy hoại Internet
Sự phổ biến và tính gây nghiện của TikTok đang được những nhà phân tích Phố Wall so sánh với một loại thuốc phiện dạng mạnh, theo Insider.