- ThS.Nguyễn Quang Huy, người từng nhiều năm huấn luyện các tuyển thủ Việt Nam dự các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới chia sẻ, để nuôi hy vọng giành huy chương, các thí sinh phải vượt qua qua trình khổ luyện khốc liệt và đầy áp lực.

Thầy Huy, giảng viên Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, từng từng huấn luyện viên nghề Lắp đặt điện cho kỳ thi tay nghề ASEAN, ở kỳ thi tay nghề thế giới là huấn luyện viên Điện công nghiệp.

Hướng dẫn tuyển thủ tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN các năm 2014, 2016 và năm nay, thầy hiện là trưởng ban giám khảo của ASEAN.

Đầu tiên, các thí sinh vào đội tuyển phải trải qua rất nhiều kỳ thi các cấp trong nước rồi khu vực ASEAN và thế giới, chưa kể những kỳ sát hạch liên tục.

“Phải nói cực kỳ mệt mỏi. Các em phải làm quen với việc phải xa nhà lâu, ngày nào cũng phải làm việc từ 10-12 tiếng, kể cả là thứ 7 và Chủ Nhật”.

{keywords}
ThS.Nguyễn Quang Huy hướng dẫn về lắp đặt điện. Ảnh: Thanh Hùng.

Trong kỳ thi gần nhất là tay nghề ASEAN năm ngoái, “ngay khi xuống sân bay là thầy và trò không được phép gặp và giao tiếp với nhau, kể cả là ngoài giờ hay buổi tối. Khách sạn 2 thầy trò cũng được bố trí cách nhau đến 25km”.

Trong toàn bộ quá trình thi, tuyển thủ phải độc lập tất cả từ khâu chuẩn bị cho đến khi gọi vào, thầy coi như không “rỉ tai” được câu nào. Các thầy từ các đoàn cũng sẽ tham gia vào ban giám khảo và đảm nhiệm công tác chấm điểm chung.

“Thí sinh chỉ hơi phạm quy đã phải dừng thi, các thầy cũng vậy. Trong quá trình thi, thầy trò chỉ cần đi ngang qua nhau cũng bị tóm. Do đó lúc học trò thi, các thầy chỉ được nhìn từ phía xa”.

Ở những cuộc thi tầm quốc tế, mỗi thí sinh sẽ phải thực hiện một bài thi kéo dài trong 22 tiếng và được chia làm 4 ngày, mỗi ngày từ 6-7 tiếng.

Mỗi thí sinh sẽ được bố trí một khu vực cabin với đầy đủ tất cả dụng cụ như khoan, khoét, dũa, thước, kìm,… rồi làm việc cật lực.

“Sau khi lật đề thi lên nhìn bản vẽ là thí sinh phải quay vào làm như một cái máy. Phải nói là làm như một con robot điên cuồng, chứ không phải lững thững, thong thả. Các thí sinh lao từ góc này sang góc khác. Cứ rầm rập như vậy cả dãy khu vực thi”.

Để có thể làm được như vậy, các tuyển thủ phải luyện các kỹ năng 12 tiếng mỗi ngày và có bấm giờ.

“Một trong số đó, chúng tôi thường giao cho học trò làm quen với việc tuốt 100 đầu dây chỉ trong 1 phút. Phải làm một cách quy củ và chính xác đến từng giây như vậy, bởi có những động tác chỉ được tính bằng giây, 10 giây phải xong việc này hay 20 giây phải xong việc kia. Có như vậy mới mong có thể thắng được các đối thủ và nghĩ đến chuyện giành được huy chương, chứ không phải chỉ lướt thướt làm cho xong”.

Nhưng công việc không chỉ đơn thuần cơ bắp là lắp đặt. Xong phần “xác”, thí sinh phải bắt tay cả vào việc lập trình cho hệ thống. “Có nghĩa phải làm từ A-Z từ đầu một công trình hoàn toàn chưa có gì, từ lắp ống, kéo dây điện, đấu nối trong tủ điện,…”

Thế nhưng làm xong, ban giám khảo đi qua chỉ cần quẹt tay nói chi tiết bẩn là bị trừ điểm. Uốn xong một cái ống mà giám khảo sờ vào thấy hơi gợn tay cũng mất điểm. Có 3 điều có thể dẫn tới mất điểm là bẩn, hơi nghiêng một tí và sai lệch nửa milimet thôi cũng mất điểm. Tức là thí sinh phải hoàn hảo kỹ năng nghề thì mới có cơ hội giành được huy chương. Khốc liệt lắm!”.

Đi thi tay nghề quốc tế chỉ 4 ngày nhưng các học viên phải trải qua quãng thời gian ôn luyện dài và vô cùng căng thẳng, vất vả.

Thầy Huy đánh giá, thường các đội tuyển đến từ châu Âu rất có thế mạnh về công nghệ, các đội tuyển như Nhật Bản hay Hàn Quốc lại có thế mạnh về kỹ năng.

Thế mạnh của Việt Nam là tốc độ tốt, kỹ năng tốt nhưng lại yếu về khả năng chịu áp lực và thể lực.

“Có 2 loại sức bền hô hấp và cơ bắp. Chưa nói đến sức bền cơ bắp, khi áp lực lên cao, hồi hộp và tim đập nhanh thì sức bền hô hấp cũng suy giảm rất nhanh. Hô hấp giảm sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Cũng vì thế mà chúng tôi phải đưa ra các bài luyện tập chạy kéo dài hàng tháng để tăng sức bền hô hấp cho học viên”. 

Ngoài việc chú ý đến tâm sinh lý, phong độ hay cả chuyện yêu đương, các ứng viên có tiền sử như tim, bệnh mãn tính cũng bị loại.

“Thậm chí các em được luyện thể lực như các vận động viên chuyên nghiệp. Ví dụ như nghề phay CNC, các em phải vượt qua 3 tháng rèn thể lực không, với lịch trình: ngày chạy, tối tập võ và đêm bơi. Có thể chạy 10km, các em mệt lắm rồi, nhưng không được phép nghỉ và vẫn phải chạy để vượt qua được ngưỡng tâm lý. Qua đó để chịu áp lực khó khăn, khắc phục điểm yếu tâm lý”.

Theo thầy Huy, có như vậy mới có thể đương đầu với những thử thách ở cuộc thi tầm quốc tế.

Tất cả những gì thi thế giới là công nghệ mới nhất, tiêu chuẩn mới nhất, không bao giờ là lạc hậu. Thế nên đi thi cũng có một cái thích là luôn nhìn thấy cái mới và luôn phải chạy theo những gì mới nhất. Cái hay nhất của kỳ thi tay nghề thế giới là đưa tiêu chuẩn công nghiệp và nhà công nghiệp vào thiết kế đề thi chứ không phải một vài ông thầy nào đó làm ra đề thi. Công nghiệp chạy đến đâu thì tiêu chuẩn thi nghề lên đến đó và tiêu chuẩn để chấm điểm do bên công nghiệp thiết kế”.

{keywords}
Một tuyển thủ đang trong quá trình luyện tập cho kỳ thi tay nghề ASEAN và tay nghề thế giới diễn ra trong 2 năm tới. Vì tính chất khốc liệt của kỳ thi, học viên này được chọn lựa ngay từ năm nay khi còn là sinh viên năm thứ nhất để đào tạo, rèn luyện. Ảnh: Thanh Hùng.

Song, cũng vì thế mà sức ép lên các thí sinh càng lớn.

“Có em, hôm đầu tiên kiểm tra, thấy có quá nhiều vật tư thiết bị mới do nước tổ chức thay đổi (những thiết bị vật tư hầu hết đều lạ với các khu vực trên thế giới, chỉ trừ khối châu Âu), nên ngay trong bữa ăn trưa đã ngồi thẫn thờ, nhai cơm rệu rã vì chưa biết lắp, nối ra sao. Thấy thế tôi phải lay người giục ăn và quát lên để sốc lại tinh thần”.

Nhưng chừng đó cũng chưa nhằm nhò gì.

Vào thi mới chứng kiến hết cảnh các em vừa làm vừa run bần bật. Có lúc, giám khảo đứng xung quanh yêu cầu vận hành, kiểm tra. Các vị giám khảo nước ngoài thì mặt mũi lạnh tanh, bàn tán, học trò Việt mình thì vì không hiểu gì, run bần bật và mồ hôi ra đầm đìa. Thực tế là sinh viên Việt Nam khả năng tiếng Anh kém, đặc biệt theo khối ngành kỹ thuật lại càng kém. Thậm chí dân kỹ thuật lại thường ghét tiếng Anh. Các em có suy nghĩ không cần tiếng Anh, vì giỏi tay nghề vẫn có thể xin được việc. Do đó rất khó cải thiện tình hình”. 

Khó khăn của Việt Nam khi ra đấu trường quốc tế còn là thiếu thốn về thiết bị và người dạy chưa thực sự giỏi. Theo thầy Huy, muốn thực sự giỏi phải là người đi từ trong lĩnh vực công nghiệp đó.

“Như các thí sinh sẽ thi vào năm 2019 tới đây, thậm chí là chưa từng được thử sức. Nghề phay CNC chẳng hạn, là nghề mà các em sẽ đi thi thẳng thế giới bởi Việt Nam không tổ chức thi do các thiết bị vật tư quá đắt tiền. Một cái máy phay CNC 50 lên đến mười mấy tỉ. Nếu tổ chức cho mười mấy thí sinh thi thì không ban tổ chức nào chịu kham. Thậm chí, nghề đó đến khu vực ASEAN cũng không thi mà chỉ thi thế giới vì có sự tài trợ của hãng”.

Cũng chính vì thế mà cơ hội đạt giải cũng khó khăn hơn với Việt Nam.

“Như Hàn Quốc, 15 phút họ đã có thể lập trình xong nhưng tất cả các nước vẫn đang phải mày mò, nên đã thấy mình không có cơ hội”.

Theo thầy Huy, quá trình huấn luyện cũng không đơn giản rằng cứ có thầy giỏi là được mà phải tích lũy rất nhiều kinh nghiệm và để “mơ” giành được huy chương cần hội tủ đủ các yếu tố như chiến thuật, thái độ thi đấu cực kỳ tập trung và lỳ lợm, tốc độ...

Phải có động lực trong mỗi động tác. Để rèn thái độ này cũng rất khó. Bởi nếu thí sinh được luyện nhiều quá, ngày nào cũng làm thì lại dễ trở thành vô cảm, có nghĩa có thể vẫn làm tốt nhưng khi áp lực lên thì dù sai, các em cũng không để ý bởi không đủ sự tập trung”.

Một điểm đua nữa là tốc độ:

“Phải nói là thoăn thoắt, thậm chí phải điên cuồng chạy từ góc này đến góc kia, hễ lững thừng một chút là hỏng việc. Có những em thường ngày làm rất chỉn chu, xong mỗi việc thì các dụng cụ được đặt theo một dãy rất gọn ghẽ. Nhưng khi thi áp lực lên cao, làm xong thì ném luôn cả cái kìm ra phía sau. Để thấy rằng khi vội quá đầu óc các em không kịp điều khiển gì nữa. Áp lực thi nghề khủng khiếp, trong khi các em còn quá trẻ, chưa nhiều trải nghiệm dễ bị cuống”.

Để chuẩn bị cho kỳ thi khu vực ASEAN năm 2018 và thế giới 2019 tới đây, hiện thầy Huy cùng các học trò của mình vẫn đang miệt mài với những tháng ngày khổ luyện vất vả.

Kỳ thi tay nghề thế giới World Skill được tổ chức 2 năm/lần và các nước sẽ cử người giỏi nhất trong từng lĩnh vực nghề nghiệp đi dự thi với điều kiện dưới 23 tuổi.

Thanh Hùng

Sẽ đào tạo trực tuyến toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Sẽ đào tạo trực tuyến toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho biết tất cả các hoạt động của giáo dục nghề nghiệp sẽ được thực hiện trực tuyến.

Bỏ thủ tục công nhận bằng, chứng chỉ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài

Bỏ thủ tục công nhận bằng, chứng chỉ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài

Bộ Lao động Thương binh & Xã hội vừa ban hành thông tư quy định việc công nhận tương đương đối với bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp.