Vụ việc cá chết ở Vũng Áng, biển miền Trung bị bức tử vẫn chưa thể hạ nhiệt, bởi dư luận xã hội vẫn chưa biết các “chương, hồi” diễn biến tiếp ra sao? Thì mới đây, lại sôi lên vụ việc phá rừng ở Quảng Nam, khiến người đứng đầu Chính phủ, sau khi nhận được báo cáo của ông Chủ tịch tỉnh này, phải gấp rút chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Lâm tặc là ai?
Đó là, từ phát hiện của người dân xã La Dêê (huyện Nam Giang- Quảng Nam), cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện 280 phách gỗ pơ mu (28 khối) đã được cưa xẻ theo quy cách, giấu cách Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc (thuộc Đồn Biên phòng La Dêê) khoảng 500 m. Cơ quan chức năng sau đó phát hiện hơn 60 cây pơ mu trăm tuổi tại tiểu khu 351 thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Bung bị chặt hạ. Mở rộng điều tra, còn tìm ra hàng trăm phách gỗ nằm sát và trong khuôn viên trạm biên phòng, hải quan.
Điều đáng nói, đây là khu vực được lực lượng biên phòng kiểm soát nghiêm ngặt. Vậy mà một khối lượng gỗ quý ngang nhiên và… tự tin nằm chềnh ềnh giữa thanh thiên bạch nhật.
Ít nhất 60 cây pơ mu ở khu vực do biên phòng quản lý bị chặt hạ. Ảnh: Tiến Hùng. Ảnh VnExpress. |
Theo nhận định của ông Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, vụ phá rừng pơmu trái phép xảy ra tại khu vực biên giới không chỉ vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, mà đáng chú ý, hiện tượng ngang nhiên này cho thấy có dấu hiệu bao che, dung túng của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ, vì thế gây hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân và tạo dư luận xã hội không tốt (Thanh niên, ngày 22/7)
Đến thời điểm này, theo các báo, ông Lê Trung Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang, và 03 sĩ quan: Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang; trung tá Đỗ Hoàng Minh, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang và trung tá Lê Xuân Chính, Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu Nam Giang đã bị tạm đình chỉ công tác để điều tra.
Từ trước tới nay, lâm tặc trong con mắt người dân, bao giờ cũng là những kẻ xấu phá hoại rừng- tài nguyên thiên nhiên quốc gia. Nhưng một khi hành vi xấu xa đó lại được chính nhân sự các ngành chức năng- công cụ bảo vệ tài nguyên của chính quyền tiếp tay, bảo kê, điều đó nói lên điều gì?
Phải chăng, trong xu thế “quốc nạn” tham nhũng, lợi ích nhóm lan tràn, phẩm chất và chất lượng đội ngũ công vụ này cũng “có vấn đề”, mà vụ việc phá rừng ở Quảng Nam chỉ là một… cơ hội bộc lộ?
Nghiêm trọng hơn, kỷ cương xã hội, niềm tin vào điều chính trực, sự trung thực- một phẩm chất cần có của bộ máy chính quyền cũng đang bị phá vỡ, ngay từ những quan chức, khiến họ cũng có một tâm lý ngụy biện đáng buồn: Bề trên ở chẳng chính ngôi/ Khiến cho bề dưới chúng tôi hỗn hào.
Giờ đây, lâm tặc hóa ra có thêm hình hài và cũng hài hước- nhân danh những trách nhiệm, “chức vụ” cao cả.
Sự tàn sát rừng, từ lâu không còn là mới mẻ, nhưng những vết thương đau của rừng cứ tiếp tục chồng lên những vết thương chưa kịp khô.
Theo Một thế giới, ngày 25/7, thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, chỉ trong vòng 05 năm (2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 hec ta, độ che phủ của rừng giảm chỉ còn 48,5%. Cũng trong vòng 05 năm đó, trữ lượng rừng khu vực Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu m3, tương ứng 17,4%. Diện tích “rừng giàu” giảm gần 20 triệu m3, tương ứng 21%. Trong khi hiện tượng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng có chiều hướng gia tăng. Năm 2015, hơn 6.000 vụ vi phạm, tăng 463 vụ so với năm 2014.
Đó mới chỉ riêng rừng Tây Nguyên, còn rừng cả nước sẽ ra … răng?
Rừng ơi, ta đã về đây.., ca từ rất hay của Bài ca người thợ rừng (Phạm Tuyên) từ lâu đã bị mang ý nghĩa hài hước, chua chát. Là nỗi hãi sợ và nước mắt của rừng.
Đâu mới là sự thật?
Vào đúng lúc vụ việc phá rừng nghiêm trọng ở Quảng Nam còn đang giai đoạn cao trào, dư luận xã hội lại “sốc” hơn khi đọc và xem hình ảnh quần thể ngôi nhà gỗ khổng lồ được cho là của một nữ trung úy cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk, tại đường Ymoan, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, có cha là ông Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh này.
Nhà gỗ mít của nông dân khiến đại gia phát thèm. Ảnh: VietNamNet |
Chưa biết đúng sai ra sao vì vụ việc bỗng trở nên phức tạp khi cả hai cha con ông Trần Kỳ Rơi lên tiếng bác bỏ, phủ nhận thông tin trên và cho biết sẽ kiện. Tờ báo đưa tin những hình ảnh gợi cảm và … nhạy cảm về ngôi nhà gỗ cũng đồng thời phải bóc bài.
Lâu nay, trên báo chí thỉnh thoảng có những bài viết, hình ảnh về những biệt thự, những ngôi nhà gỗ sang chảnh, không biết nguồn gốc từ đâu. Thú thực, người viết bài chỉ khâm phục nhất câu chuyện hai lão nông ở Thạch Thất (Hà Nội) Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Văn Học, bỏ ra tiền tỉ để xây dựng những ngôi nhà bằng gỗ mít hàng trăm năm tuổi, đẹp mê hồn, có kiến trúc hoàn toàn của vùng đồng bằng bắc bộ, với những hoa văn tinh xảo, trang nhã- một thú chơi cầu kỳ, có “gu” thẩm mỹ cao, tuy tốn kém nhưng lại không hề phạm luật, khiến không ít đại gia kiêng nể (VietNamNet, ngày 17/3/2014)
Nghề chơi cũng lắm công phu. Câu thơ của cụ Tiên Điền xưa nói về sự sành sỏi, am hiểu trong cách “chơi”, nhưng nay còn cần thấy, nó phản ánh ngầm cả nhân cách người chơi. Nhìn vào một ngôi nhà gỗ, người ta thấy cả tư cách chủ nhân có cốt cách quân tử hay chỉ trọc phú khoe của, và có khi lại là kẻ... tham nhũng, ăn bẩn.
Nhưng còn có một sự thật khác. Một nhà báo từng tâm sự, có vào rừng mới thấy, “lâm tặc” ở tầng mức thấp nhất có đời sống khốn khổ dưới đáy xã hội. Trung bình, mỗi ngày họ kiếm được vài trăm ngàn đồng, nhưng chi phí trong rừng đắt đỏ, lâm tặc nào cũng nghèo xơ xác. Họ là thành phần khốn khổ khốn nạn, đổ mồ hôi và máu chỉ để kiếm cơm sống qua ngày.
Trong khi những ngôi nhà gỗ trăm, nghìn tỷ chắc chắn không phải của “lâm tặc” mà lại của các quan chức. Còn lâm tặc, trong vụ phá rừng ở Quảng Nam, là ai?
Sự thật ngôi nhà gỗ mà ông Giám đốc Công an Đắk Lắk và con gái ông phủ nhận, thực hư ra sao, chắc chắn chỉ có những người trong cuộc biết với nhau. Kẻ tin, người ngờ. Vì sao?
Vì nước Việt còn thiếu một cơ chế công khai, minh bạch, nhưng lại thừa sự “chạy chọt”, mua bán kiểu “đầu tiên?”, thừa các lợi ích nhóm. Cứ u u minh minh…lẫn lộn trắng- đen.
Khiến cho nhiều việc, có thể rất… đúng quy trình nhưng lại có thể “không đúng tiêu chuẩn” như bà Chủ tịch QH vừa phát biểu mới đây.
Và quá thiếu sự thượng tôn pháp luật, đã dẫn đến hiện tượng, cùng là công dân nước Việt nhưng lại không được đối xử bình đẳng trước pháp luật.
Diệt giặc ngoại xâm, gian khổ nhưng còn rõ ràng. Diệt các loại “giặc nội xâm” gian khổ muôn vàn. Bởi loại giặc này (lắm khi) nằm ngay trong cộng đồng. Nằm ngay trong diện mạo những kẻ mũ cao áo dài, những kẻ có trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên quốc gia.
Con dao phẫu thuật mổ xẻ loại giặc này- công khai minh bạch, và thương tôn pháp luật- không quá khó. Cái khó, hình như nước Việt chê con dao này không … phù hợp?
Kỳ Duyên