Việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo tại huyện Tân Phú Đông đã tạo điều kiện nâng cao đời sống của người nghèo.
Tân Phú Đông (Tiền Giang) là huyện đảo nằm nơi cuối dòng sông Tiền, gồm 6 xã. Đầu năm 2024, toàn huyện có 212 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,68% tổng số hộ dân toàn huyện và 200 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,58%.
Theo kết quả rà soát mới nhất, cuối năm nay, toàn huyện còn 175 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,38% và 146 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,15%. So với kế hoạch, kết quả giảm nghèo năm nay của Tân Phú Đông đạt 150%. Năm 2025, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống thêm 0,1% so với tỷ lệ hộ nghèo năm 2024, tức còn 1,28%.
Có được kết quả đó là hành trình dài đồng hành với sự hỗ trợ căn cơ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Huyện chú trọng phân tích nguyên nhân nghèo và thực trạng thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản này của hộ nghèo.
Tại huyện Tân Phú Đông, trong các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản, tỷ lệ thiếu hụt cao nhất là về BHYT (89,71% hộ). Về việc làm, có 45,4% hộ thiếu hụt; 41,14% hộ có đông người phụ thuộc trong hộ gia đình; 46,29% hộ không có thành viên nào sử dụng dịch vụ Internet...
Đây là cơ sở để các xã có phương án hỗ trợ phù hợp, giúp hộ nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống và từng bước thoát nghèo. Tại xã Phú Thạnh và nhiều xã giáp biển ở huyện Tân Phú Đông, điều kiện tự nhiên khiến bò là vật nuôi phù hợp nhất cho người nghèo ở đây. Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện, hiện tại đàn bò của huyện Tân Phú Đông có hơn 4.200 con, khoảng 75% đàn bò này có nguồn gốc từ nguồn bò giống của các dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đúng, ở ấp Cả Thu 1, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, vốn là hộ nghèo, ruộng khô, nước mặn, mỗi năm làm có 1 vụ lúa, năng suất lại thấp. Nghề làm thuê phiêu bạt khắp nơi không đủ để ông nuôi gia đình.
Sau đó, ông được Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phú Đông hỗ trợ con bò giống. Vốn chăm chỉ, lại có giống bò tốt, ông Đúng còn siêng năng đến học các lớp khuyến nông, tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi nên bò lớn nhanh và sớm sinh con. Từ con bò giống ban đầu đã sinh ra cho gia đình ông 7 con bò con, những con cái ông tiếp tục nuôi cho sinh sản, còn bò đực thì nuôi bán bò thịt...
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã giúp rất nhiều người nghèo tại địa bàn vùng sâu, vùng xa này. Cùng ấp với gia đình ông Đúng, gia đình bà Phùng Thị Nhãn cũng vừa thoát nghèo. Nhà bà Nhãn được Nhà nước hỗ trợ thêm con bò giống để nuôi, nay bò mang thai, bà càng phấn khởi. Có con bò này, vợ chồng bà chỉ cần cắt cỏ, chăm nuôi, hi vọng có thêm thu nhập sau vài tháng.
Thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phú Đông, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 của huyện là gần 7,2 tỷ đồng. Hiện huyện đang thực hiện 4 dự án giảm nghèo bền vững, trong đó có Dự án 2 Đa dạng hoá sinh kế.
Ngành chức năng theo phân công đã đề nghị công ty thẩm định giá bò cái giống sinh sản và giá lợn hậu bị sinh sản để xây dựng dự án, dự toán kinh phí, thực hiện giải ngân dự án nuôi lợn cho 20 hộ tham gia, với kinh phí 584 triệu đồng. Đồng thời trình UBND huyện phê duyệt 6 dự án chăn nuôi bò cho 60 hộ tham gia với kinh phí gần 1,8 tỷ đồng.
Thực hiện Dự án 3, huyện triển khai tiểu dự án 1 về hỗ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông đang triển khai thực hiện 1 dự án nuôi tôm và 1 dự án trồng sả, với 32 hộ tham gia, dự kiến kinh phí 960 triệu đồng.
Với tiểu dự án 2 về cải thiện dinh dưỡng, Trung tâm Y tế huyện đang lập dự án hỗ trợ trẻ em bị suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện, dự kiến kinh phí thực hiện hơn 400 triệu đồng.
Triển khai chính sách ưu đãi tín dụng hiệu quả
Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gò Công Tây đã giải ngân hơn 19 tỷ đồng cho huyện Tân Phú Đông thông qua các chương trình tín dụng như cho 10 hộ nghèo vay 678 triệu đồng, 17 hộ cận nghèo vay 1,3 tỷ đồng và 79 hộ mới thoát nghèo vay gần 6 tỷ đồng để làm vốn sản xuất, kinh doanh.
121 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được giải ngân vay gần 2,6 tỷ đồng làm chi phí học tập. Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gò Công Tây còn cho 94 hộ vay gần 3,5 tỷ đồng giải quyết việc làm và 259 hộ vay gần 5 tỷ đồng để xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường.