Microsoft mới đây đã công bố báo cáo chỉ số xu hướng công việc năm 2024 chủ đề "Đưa AI vào công việc, thách thức nào đang chờ đợi". Để hiểu rõ hơn về tình trạng sử dụng AI tại nơi làm việc, phóng viên VietNamNet vừa có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam:

Năm 2024 là năm thứ tư liên tiếp Microsoft công bố báo cáo chỉ số xu hướng công việc. Xin bà chia sẻ về bối cảnh công việc đã thay đổi thế nào qua 4 năm?

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm: Cách đây 4 năm, vào năm 2021, khi toàn cầu phải ứng phó với Covid-19, Microsoft bắt đầu thực hiện "Báo cáo chỉ số xu hướng công việc". Bản báo cáo đầu tiên này đã cho thấy sự đột phá mới của mô hình làm việc kết hợp. Tiếp đến, báo cáo năm 2022 chỉ ra những thay đổi trong xu hướng và kỳ vọng của người lao động, nhà lãnh đạo với mô hình làm việc kết hợp. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của AI, báo cáo năm 2023 nghiên cứu việc liệu AI có thay đổi cách con người làm việc. Và báo cáo năm nay cho thấy rõ xu hướng sử dụng AI tại nơi làm việc cùng những thách thức mà lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức phải đối mặt.

Tong giam doc Microsoft Vietnam 2 1.jpg
Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Nguyễn Quỳnh Trâm nhấn mạnh, AI đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực và ngành nghề trong xã hội. 

Các công cụ Generative AI tại nơi làm việc đang ngày càng phổ biến. Nhiều nhân viên đang tự trang bị các công cụ AI linh hoạt và sáng tạo, không chờ đợi tổ chức có kế hoạch và lộ trình triển khai AI cụ thể. Sở dĩ như vậy là bởi AI giúp họ tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và cho phép tập trung vào các nhiệm vụ chính. Kết quả khảo sát mới của chúng tôi cho thấy, 88% lao động tri thức ở Việt Nam đang dùng Generative AI tại nơi làm việc, 93% người dùng AI tại Việt Nam thường xuyên bắt đầu ngày mới với AI và 94% dùng AI để sẵn sàng cho ngày hôm sau. 

Thực tế trên đặt ra thách thức mới với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, thúc giục họ phải tăng tốc độ ứng dụng và hiểu biết về AI, tạo ra một môi trường làm việc ứng dụng AI một cách hữu ích và có kiểm soát để nhân sự và tổ chức có thể gia tăng năng suất lao động và đạt hiệu quả cao hơn trong công việc. Hơn thế, việc triển khai các công cụ Generative AI là cần thiết để doanh nghiệp có thể thu được lợi ích cả về năng suất làm việc cũng như tốc độ xử lý thông tin trong các hoạt động. 

Số liệu đáng lưu ý trong khảo sát mới được Microsoft công bố là có tới 70% người dùng AI tại Việt Nam đang sử dụng các công cụ AI cá nhân. Bà bình luận gì về con số này?

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm: Tôi nhìn nhận số liệu thống kê này từ 2 hướng. Một hướng cho thấy sự tích cực khi người lao động trí thức tại Việt Nam không những cởi mở mà còn rất chủ động với việc ứng dụng AI. Ngay cả khi doanh nghiệp hoặc tổ chức chưa sẵn sàng để ứng dụng AI thì họ cũng đã và đang tìm cách để đưa AI vào hỗ trợ công việc cho cá nhân mình hàng ngày. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp, bởi thực trạng này dẫn đến việc bỏ lỡ những lợi ích của việc áp dụng AI trên phạm vi rộng và một cách chiến lược, đồng thời làm tăng nguy cơ về mất an toàn thông tin của dữ liệu của doanh nghiệp

Tôi cho rằng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm cơ hội này để biến đổi động lực thành lợi nhuận đầu tư. Bởi lẽ, AI không phải là tương lai nữa, mà là hiện tại. Các nhà lãnh đạo hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, có thể là từ những dự án nhỏ, để có thể hiểu AI có thể giúp mình thế nào trong kế hoạch đầu tư và phát triển của công ty. 

Vậy vì sao tỷ lệ lãnh đạo doanh nghiệp Việt tin rằng đơn vị mình cần áp dụng AI rất cao song tỷ lệ lãnh đạo khuyến khích nhân viên dùng AI lại thấp, thưa bà? 

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm: Các số liệu khảo sát của chúng tôi đều cho thấy mức độ quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam với AI là rất cao: 89% lãnh đạo tin rằng công ty của họ cần áp dụng AI để duy trì tính cạnh tranh; 76% nhà lãnh đạo cho biết sẽ không tuyển dụng những người không có kỹ năng AI.

Tuy nhiên, từ quan tâm đến hành động vẫn còn một khoảng cách. Tỷ lệ nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt khuyến khích nhân viên sử dụng AI thấp hơn thế giới đã cho thấy điều đó. Có thể các nhà lãnh đạo còn đang e dè hoặc chưa đủ thời gian để tìm hiểu và tự mình sử dụng, từ đó khuyến khích và truyền cảm hứng cho nhân viên. 

AI thực chất cũng giống như các sản phẩm công nghệ khác, là một công cụ giúp nhà lãnh đạo đạt được mục tiêu của mình. Quan trọng là nhà lãnh đạo cần hiểu rõ mục tiêu mình cần tiến tới, có kế hoạch và chiến lược cụ thể để thực thi. Nói một cách hình ảnh thì AI như một chiếc xe đạp, mình phải trèo lên xe đạp đi, có thể ngã vài lần nhưng sau đó mình mới thành thạo và đạt đến đúng địa điểm mong muốn. 

Bà có lời khuyên gì với các lãnh đạo doanh nghiệp để có thể triển khai ứng dụng AI hiệu quả?

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm: Trước tiên, các nhà lãnh đạo nên đặt mục tiêu rõ ràng cho tổ chức của mình. Tùy theo quy mô và nhu cầu của tổ chức, triển khai ứng dụng AI từng bước một, tối ưu hóa việc triển khai cho các chức năng công việc sẽ mang lại lợi nhuận đầu tư nhanh nhất. 

Cùng với đó, các lãnh đạo cũng nên tăng cường đào tạo kỹ năng, dành thời gian để thử nghiệm và đào tạo nhân viên cách sử dụng AI hiệu quả; Đón nhận tư duy phát triển - Khích lệ và tạo môi trường an toàn cho nhân viên để họ thử nghiệm, chia sẻ ý tưởng và cả những thử nghiệm thất bại với AI, chia sẻ thành công và những bài học kinh nghiệm; Trao quyền cho nhân viên bằng AI và khuyến khích phát triển những hình mẫu ‘Nhà vô địch AI’.

Cuối cùng và quan trọng nhất là lãnh đạo cần thay đổi tư duy, xem AI như một cách thức và công cụ mới để làm việc, không phải là cách để cắt giảm nhân sự ngắn hạn. Đừng chỉ dùng AI như công cụ để tăng tốc công việc hiện tại, mà hãy coi AI như một cách để đạt được những điều trước đây là không thể. 

Xin cảm ơn bà!