Sử dụng một hệ thống đèn LED gồm ánh sáng UV, ánh sáng xanh dương, ánh sáng xanh lá, ánh sáng trắng có khả năng thay đổi theo thời gian và tập tính của từng loại côn trùng để dẫn dụ chúng vào trạm giám sát, các kỹ sư ở Công ty Rynan Technologies đã sử dụng công nghệ học máy để “dạy” cho hệ thống học thông tin về các loại côn trùng và hình dạng của mỗi loại. Với những loại côn trùng chưa biết, nhóm nghiên cứu sẽ trao đổi với Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam để nhận diện và liên tục cập nhật dữ liệu. 

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Hiện nay, hệ thống giám sát sâu rầy thông minh của Rynan đã có khả năng nhận diện được khoảng 120 loại côn trùng khác nhau như rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng, bướm sâu cuốn lá, bướm sâu đục thân, bướm sâu keo mùa thu, bọ xít, kiến ba khoang,…

Do áp dụng công nghệ học máy, theo thời gian, khi có càng nhiều dữ liệu được thu thập thì hệ thống sẽ càng chính xác.

Kết quả phân tích cuối cùng sẽ được trả về dưới dạng biểu đồ trực quan, thể hiện rõ tương quan giữa sâu rầy gây hại và thiên địch có lợi, từ đó giúp người nông dân có cái nhìn tổng quát và nhanh chóng về mức độ cân bằng của hệ sinh thái ngay trên điện thoại thông minh mà không phải ra tận cánh đồng. Đồng thời, hệ thống cũng đưa ra các cảnh báo, dự báo về tình hình sâu rầy trên cánh đồng để người dân xác định có cần phun thuốc hay không và lựa chọn phương thức xử lý kịp thời thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS.

Duy Khánh và nhóm PV, BTV