Theo số liệu chính thức được đưa ra vào hôm qua (28/12), lần đầu tiên trong vòng 4 năm, GDP thực của Việt Nam tăng chậm hơn so với các năm trước. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, GDP thực của Việt Nam ở mức 6,21%, giảm 0,09% so với kế hoạch của chính phủ đưa ra vào mua thu (6,3%) và giảm 0,49% so với dự đoán đưa ra hồi đầu năm (6,7%).
Sự cố của Công ty Điện tử Samsung với chiếc Galaxy Note 7 là một nguyên nhân chính của điều này. Sau khi sự cố cháy nổ xuất hiện, công ty Hàn Quốc đã cắt giảm sản lượng tại các cơ sở đặt ở một số tính phía Bắc như Bắc Ninh và Thái Nguyên, vốn chiếm 30% sản lượng smartphone của cả thế giới. Tăng trưởng trong mảng xuất khẩu di động từ những cơ sở sản xuất này, bao gồm cả các bộ phận, đã giảm xuống gần một nửa, từ 28% năm 2015 xuống còn 14,4% trong năm nay.
Lĩnh vực xây dựng và công nghiệp cũng có mức tăng trưởng giảm, từ 9,6% của năm 2015 xuống 7,6%. Giá dầu giảm cũng khiến ngành than và khoáng sản giảm 4%, mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tập đoàn Đài Loan Formosa Plastic đã phải ngừng việc xây dựng nhà máy sản xuất thép lớn ở Hà Tình do những lo ngại về môi trường. Sản xuất thép trong nước không tăng trưởng mạnh như năm trước do thép rẻ Trung Quốc ngập tràn trên thị trường.
Tiêu dùng, chiếm khoảng 70% nền kinh tế Việt Nam, cũng giảm. Tổng mức hàng hóa bán lẻ tăng 7,4%, con số thấp nhất trong vòng một thập kỷ sau khi có 9 năm liên tục đạt mức tăng trưởng hai con số. Tổng mức hàng hóa bán lẻ năm 2010 thậm chí còn ở mức 30,8%.
Mức chi tiêu của tầng lớp giàu có vẫn cao với số lượng xe mua mới đạt số kỷ lục 300.000 chiếc. Thế nhưng mức chi tiêu của tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp lại hạn chế, phần lớn là do những lo ngại về tương lai, bao gồm cả việc chi phí ở các lĩnh vực như giáo dục, xăng, phí đi lại, tiêu dùng… có thể sẽ tăng. Lạm phát tăng cao, từ 0,6% năm 2015 lên 2,7% trong năm 2016.
Tiền đồng giảm do áp lực tăng lên từ khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chiến thắng của ông Trump đã làm các ngành như dệt may, nông nghiệp và ngư nghiệp bị ảnh hưởng khi Mỹ chắc chắn sẽ rút khỏi TPP, một thỏa thuận thương mại tự do mà theo Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam sẽ được lợi nhiều nhất.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng thêm 6% vẫn là thành tích đáng nể và trong khu vực thì chỉ có Philippines và Myanmar đạt được mức này. Việt Nam có dân số 93 triệu người với độ tuổi trung bình chỉ 28 và sẽ là một thị trường tiêu dùng rất hấp dẫn. Chính phủ đang rất nỗ lực để cải cách các doanh nghiệp nhà nước cũng như quy định. Mức tăng trưởng sẽ sớm tăng trở lại nếu những nỗ lực này thu hút được đầu tư nước ngoài.