|
VNPT luôn đi đầu về công nghệ với cơ sở hạ tầng viễn thông rộng khắp. |
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, suy giảm, doanh nghiệp trong nước lao đao, có một lĩnh vực nổi bật được Chính phủ và Quốc hội liên tục nhấn mạnh như là sự khích lệ cho cả nền kinh tế, đó là ngành dịch vụ BCVT. Đầu tàu trong lĩnh vực này không ai khác là Tập đoàn VNPT.
Một quan chức của VNPT cho hay, sáu tháng đầu năm nay, doanh thu của tập đoàn duy trì ở mức tăng trưởng hơn 30%. Trong số 8 tập đoàn kinh tế nhà nước, VNPT có đóng góp vào ngân sách đứng thứ nhì, chỉ sau Tập đoàn Dầu khí. Mục tiêu năm 2009, VNPT đạt tổng doanh thu 78.450 tỷ đồng, tăng hơn 18.000 tỷ đồng so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm. Tuy duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhưng nội tại VNPT còn nhiều ngổn ngang kể từ sau cuộc “cách mạng” tái cơ cấu mô hình tổ chức bắt đầu từ năm 2006 – VNPT chuyển thành tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình công ty mẹ công ty con. Như ông Phạm Long Trận, Chủ tịch HĐQT VNPT tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2009 của tập đoàn đã nhận xét: “VNPT vẫn còn tồn tại những điểm yếu, hạn chế cần nhận thức rõ và đề ra các giải pháp khắc phục”.
Khi không còn là “lô cốt”
Hơn một thập kỷ trước đây, khi nói đến VNPT, người ta nghĩ ngay đến độc quyền. Theo báo cáo TOP 200 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), đây chỉ là một ví dụ của giai đoạn những năm 1990, khi khuôn khổ pháp lý về Tổng công ty nhà nước được ban hành và các công ty được thành lập trong một loạt ngành. Trong một số trường hợp, Tổng công ty chiếm toàn ngành với nhiệm vụ được giao là phát triển lĩnh vực ngành của họ. Kết quả là tạo ra những “lô cốt” cách biệt: than, dầu khí, BCVT, điện... Song giữa các Tổng công ty này cũng có sự khác biệt nữa, đó là tính chất “độc quyền tự nhiên” như than, dầu khí.
Hội nhập với nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có nhiều thành phần tham gia. Các “lô cốt” Tổng công ty được dỡ bỏ và thậm chí đang “lấn sân” lẫn nhau. Như Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) và nhiều doanh nghiệp khác đã tham gia vào kinh doanh dịch vụ viễn thông để cạnh tranh với VNPT.
Tuy nhiên, dỡ bỏ “lô cốt” chỉ là một phần của công cuộc cải cách DNNN. Cùng với quá trình cổ phần hóa, tức đa dạng hóa sở hữu trong doanh nghiệp vốn trước đây hoàn toàn thuộc sở hữu Nhà nước, Chính phủ quyết định thí điểm thành lập một số tập đoàn kinh tế Nhà nước trong những lĩnh vực chủ chốt – kỳ vọng đây sẽ là những “quả đấm thép” dẫn đầu nền kinh tế về năng lực cạnh tranh, trình độ nguồn nhân lực, công nghệ, có sức cạnh tranh quốc tế, đóng góp lớn cho kinh tế, xã hội.
VNPT là tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 2005. Khi đó, yêu cầu đặt ra đối với Tập đoàn VNPT phải là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực BCVT, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại, chuyên môn hóa cao, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế, trong đó BCVT là cốt lõi. VNPT hoạt động theo cấu trúc công ty mẹ - công ty con. Công ty mẹ không thuần túy chỉ là đơn vị hành chính như trước. Nó là một thực thể kinh doanh kiểm soát các công ty con (gồm các hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty liên doanh...), tùy thuộc vào mức đầu tư của nó.
Cho đến nay, VNPT đã hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn chia tách BCVT (việc này đặc biệt có ý nghĩa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho lĩnh vực viễn thông). VNPT cũng đi đầu về công nghệ với cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại hóa, rộng khắp (đầu tư phát triển mạng thế hệ mới NGN trên tất cả các lĩnh vực viễn thông quốc tế, liên tỉnh, nội tỉnh, thông tin di động, tạo nên mạng tổng thể có khả năng cung cấp đa loại hình dịch vụ). Đầu năm 2008, VNPT đã phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam lên quỹ đạo.
Ngoài bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, kết quả kinh doanh của VNPT là một thực tiễn sống động nhất đáp lại cho những chỉ trích DNNN làm ăn kém hiệu quả. Theo các con số thống kê, năm 2005, doanh thu của VNPT đạt 33.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 5.000 tỷ đồng. Chỉ ba năm sau đó, doanh thu VNPT đã tăng 68%, đạt gần 55,5 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách tăng 36%, đạt hơn 6.800 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2008, VNPT đã cổ phần hóa được hơn 40 đơn vị thành viên, mở chi nhánh tại Mỹ, lập liên doanh tại Singapore.
Chặng đường phía trước
Mặc dù đạt thành quả kinh doanh lạc quan, nhưng công bằng mà nói, VNPT nói riêng và cả 8 tập đoàn kinh tế Việt Nam nói chung vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng đối với một tập đoàn kinh tế nhà nước như Kế hoạch Phát triển KT-XH 5 năm (2006-2010) đề ra. Kế hoạch tổng thể này đề ra mục tiêu hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, có tiềm lực về tài chính, công nghệ để tham gia thị trường khu vực và thế giới.
Chưa kể đến vươn ra thị trường quốc tế, xét về đa dạng hóa ngành nghề, VNPT bị cho là chậm chân hơn so với các tập đoàn kinh tế nhà nước khác đang bung ra đầu tư vào ngân hàng, bất động sản, tài chính, chứng khoán... Một lãnh đạo VNPT giải thích sự chậm trễ của VNPT như vậy là “chậm mà chắc”. Thực tế, thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã bắt đầu tỏ ra lo lắng việc các tập đoàn kinh tế đem tiền đầu tư sang các lĩnh vực khác.
Vậy có sự mâu thuẫn gì ở đây không khi mục tiêu là các tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh phải có hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nhưng khi họ đầu tư nhiều sang lĩnh vực khác thì bị chỉ trích, xiết lại? Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng câu trả lời là “Không”. “Việc hạn chế tập đoàn đầu tư ra lĩnh vực ngoài Có nghĩa là các tập đoàn chưa thực sự kinh doanh cốt lõi tốt và đạt như mục tiêu đã định. Họ đã cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực chưa? Nếu mở cửa để đối thủ bên ngoài vào thì liệu có chiến thắng được đối thủ “ngoại” không? Chắc là chưa! Đã chưa tốt, thì đầu tư sang các lĩnh vực khác làm gì??? ”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của VNPT không phải là mở rộng, đầu tư sang các lĩnh vực khác hay vấn đề vốn, cùng những bất cập về khung pháp lý như các tập đoàn kinh tế nhà nước khác gặp phải mà là hoàn thiện mô hình tập đoàn. Cho đến nay, VNPT vẫn trong quá trình thí điểm mô hình mặc dù được biết, VNPT đã nghiên cứu chuẩn bị mô hình hàng chục năm trước khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Tập đoàn. Các Tổng công ty Viễn thông I, II, III không được thành lập vì lý do tình hình thị trường, công nghệ thay đổi mạnh mẽ. Hiện tại, các viễn thông tỉnh, thành phố (được tách ra từ Bưu điện) trực thuộc trực tiếp Tập đoàn.
Khi được hỏi về mô hình tập đoàn VNPT, nhiều vị chuyên gia kinh tế có tiếng của Việt Nam đều từ chối hoặc tránh trả lời trực tiếp về VNPT. Thứ nhất, việc các tập đoàn chưa hoàn thiện được mô hình có thể do mô hình lựa chọn chưa phù hợp. Trên thế giới có nhiều mô hình tập đoàn nhà nước thành công như chaebol của Hàn Quốc, tập đoàn đầu tư Temasek (Singapore). Đối với lĩnh vực viễn thông, có những tập đoàn lớn cũng trải qua quá trình tư nhân hóa như France Telecom (Pháp), Deutsche Telekom (Đức)... Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế là “Không nên học hết mà phải chọn lọc những cái gì nên học. Thời thế đã thay đổi nhiều, bối cảnh quốc tế cũng thay đổi, cộng với những đặc thù của Việt Nam nên mô hình có lẽ sẽ phải có những cái khác biệt”. Có gợi ý là công ty mẹ của VNPT nên hoạch định chiến lược, quản lý đầu tư vốn, trực tiếp kinh doanh hạ tầng mạng đường trục (bán lại dịch vụ cho các nhà bán lẻ)... còn các công ty con với tính tự chủ, linh hoạt cao chuyên kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng đó.
Những gợi ý trên đều đã là định hướng của VNPT từ trước. Tuy nhiên, trước những biến động của thực tế về cạnh tranh, công nghệ, quản ly... đòi hỏi Tập đoàn VNPT phải tiếp tục đổi mới tìm ra mô hình phù hợp nhất nhằm đạt được mục tiêu “chiếm lĩnh thị phần trên tất cả các đối tượng khách hàng, các tầng lớp dân cư các địa bàn và trên tất cả các dịch vụ trọng yếu” (Theo báo cáo của VNPT tại hội nghị triển khai kế hoạch 2009).
Ngân hàng Thế giới đã gọi các tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam là các “đại kiện tướng”. Không ai có thể phủ nhận đóng góp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào sự phát triển của khu vực tư nhân và tạo việc làm. Song các doanh nghiệp lớn có tầm quan trọng lịch sử đối với sự phát triển ở bất cứ nước nào trên thế giới đã từng thành công trong việc đạt được và duy trì vị thế của một nước có thu nhập cao.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 97 ra ngày 14/8/2009