Tuân thủ phương châm “4 tại chỗ”

Tại huyện Vân Canh, báo cáo của UBND huyện cho thấy hiện địa phương này có nhiều khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai. Trong đó, 7 xã, thị trấn bị ảnh hưởng của gió bão; 2 xã Canh Vinh, Canh Hiển và những vùng thấp dọc sông Hà Thanh có khả năng bị ngập lụt nặng khi xảy ra mưa lớn; nhiều địa bàn dân cư sẽ bị chia cắt khi có lũ lớn.

Bên cạnh đó, lũ có nguy cơ gây xói lở, sạt đất mạnh, ách tắc giao thông ở tuyến đường liên xã hoặc từ xã đến các làng. 2 khu vực có nguy cơ bị chia cắt khi sạt lở. Ngoài ra, có công trình hồ Suối Cầu, xã Canh Hiển đang xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn.

UBND huyện Tuy Phước cho biết, trên địa bàn huyện có 17 xã, thị trấn có khả năng bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới; 12 xã, thị trấn có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ, ngập lụt báo động cấp III hoặc trên báo động cấp III và 1 xã có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất.

mua-cong-sang.png
Nhiều nơi ở Trung và Nam Trung bộ như Bình Định, Quảng Nam... thường xuyên xảy ra mưa lớn gây ngập lụt. 

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện đã chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Huyện cũng đã xây dựng phương án phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 đối với tuyến đường Cát Tiến - Diêm Vân; trong đó, có kế hoạch di dời, sơ tán người dân vùng trũng, ngập sâu, vùng có nguy cơ lũ lớn nhanh, lũ quét, sạt lở do ảnh hưởng của tuyến đường Cát Tiến - Diêm Vân.

Theo rà soát của UBND thị xã An Nhơn, 15/15 xã, phường trên địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu gây mưa sau bão, áp thấp nhiệt đới.

Đến nay, UBND thị xã An Nhơn đã cơ bản hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai năm 2023; kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự từ thị xã tới từng xã, phường trên địa bàn. Đội xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã, phường với trên 1.070 người cũng được kiện toàn, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ trước, trong và sau thiên tai.

Đối với các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, chính quyền thị xã đã yêu cầu các đơn vị quản lý thi công phải có phương án ứng phó thiên tai cho từng công trình, bố trí lực lượng, máy móc trực 24/24 giờ để xử lý các vấn đề phát sinh.

Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết khi thiên tai xảy ra, khoảng 1.460 hộ, trên 4.580 nhân khẩu ở các vùng thường hay bị ngập lụt, vùng nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, vùng bị chia cắt giao thông, cô lập địa bàn phải di dời đến nơi an toàn.

Để chủ động phòng chống thiên tai trên địa bàn, đến nay, các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện, xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Thạnh được kiện toàn, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ của từng thành viên.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tại các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện đóng trên địa bàn huyện cũng được thành lập, kiện toàn theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025; phương án ứng phó thiên tai cấp huyện, xã năm 2023, phương án sơ tán dân ứng phó với bão, ngập lụt, sạt lở núi. Công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” ứng phó với bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cũng được địa phương chú trọng triển khai.

Vai trò quan trọng của sự chủ động, không chủ quan

Mới đây, khi trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã có những chỉ đạo sát sao, trên tinh thần tuyệt đối không được chủ quan, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bình Định nhấn mạnh vai trò quan trọng của địa phương trong công tác phòng chống thiên tai.

Đơn cử, sau khi kiểm tra tình trạng xâm thực, sạt lở bờ sông Gò Chàm, đoạn từ đập Gò Đậu đến cuối thôn Tân Dân, xã Nhơn An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu lãnh đạo thị xã An Nhơn và các đơn vị liên quan tập trung khơi thông dòng chảy, di dời vật cản và đưa ra các phương án xử lý trước mắt để giảm thiểu nguy cơ ngập trong khu vực khi mưa lớn.

Cùng đó, tùy theo đặc thù của địa phương, thị xã An Nhơn cần xây dựng các phương án ứng phó phù hợp với diễn biến của thời tiết; chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để làm tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tại huyện Tuy Phước, sau khi kiểm tra tình hình thực hiện dự án đường ven biển tỉnh đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, ông Lâm Hải Giang yêu cầu đơn vị thi công tháo dỡ ngay các cầu công vụ, thanh thải dòng chảy, di dời máy móc thiết bị để tránh tắc nghẽn gây ngập úng. Bên cạnh đó, huyện Tuy Phước cần có phương án di dời và kiên quyết di dời 13 hộ dân ở gần khu vực xây cầu đến nơi an toàn khi có mưa lớn xảy ra.

Đối với huyện Vân Canh, lãnh đạo tỉnh yêu cầu cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phòng chống thiên tai theo sát với diễn biến của thời tiết; phối hợp cùng các sở, ngành khẩn trương huy động lực lượng, triển khai phương tiện khơi thông dòng chảy, có phương án xử lý tạm thời các điểm có nguy cơ sạt lở cao, ngập nặng và kiên quyết di dời người dân khi mưa lớn xảy ra; tuyệt đối không được chủ quan, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Còn tại huyện Vĩnh Thạnh, sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành, đơn vị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu huyện rà soát toàn bộ các phương án phòng chống thiên tai; chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện hậu cần để sẵn sàng triển khai ứng phó các tình huống cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Ông Thanh cũng lưu ý các xã, thị trấn phải xây dựng phương án di dời dân cụ thể, chi tiết, xác định rõ phương tiện di dời, địa điểm di dời và thông báo cho nhân dân biết. Chính quyền địa phương chủ động dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm trước mùa mưa bão; đồng thời, thông báo, vận động người dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm để dùng nếu địa bàn bị chia cắt, cô lập do mưa lũ.   

Diệu Thúy và nhóm PV, BTV