Thập niên 1990, khi hiện tượng hikikomori (từ chỉ những người trẻ tuổi nhốt mình trong nhà cả ngày, từ chối giao tiếp với xã hội) dần nổi lên ở Nhật Bản, mọi thứ mới chỉ dừng ở mức lo lắng về một lối sống tiêu cực, theo South China Morning Post.
Câu chuyện đã khác sau 20 năm. Áp lực cuộc sống tăng cao. Thất vọng khi nghĩ các nhà lãnh đạo không quan tâm. Đại dịch làm chia cách các mối quan hệ. Thúc đẩy bình đẳng giới.
Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 nước có tỷ lệ bạo lực, quấy rối phụ nữ cao. Ảnh: Insider. |
Những yếu tố trên đã tác động hình thành ra các incel - cụm từ để chỉ nam thanh niên sống độc thân, bất mãn với xã hội và có xu hướng bạo lực với phái nữ để giải tỏa sự uất ức.
Vấn nạn tương tự cũng có thể quan sát được ở nước láng giềng Hàn Quốc. Các nhà chức trách nước này vẫn đang đối phó với hình thức quấy rối mới có tên “khủng bố tinh dịch”.
Trút giận lên phụ nữ
Tháng trước, Yusuke Tsushima (36 tuổi) dùng dao tấn công các hành khách trên một chuyến tàu ở phía tây Tokyo. Trong số các nạn nhân, một sinh viên 20 tuổi bị đâm ít nhất 10 nhát vào lưng và ngực.
Theo cảnh sát, hung thủ bất bình đối với phụ nữ nói chung và muốn tìm nơi trút giận. Trước đó, người này thường bị chế giễu tại tại các cuộc tụ họp bạn bè và bị từ chối khi dùng ứng dụng hẹn hò.
“Trong 6 năm qua, tôi đã có ý định giết hại những cô gái nào trông hạnh phúc”, Yusuke khai.
Tháng 7, một người đàn ông ở Osaka bị bắt vì bôi chất thải của chính mình lên túi xách của người phụ nữ đang đi trên phố. Kẻ này khai nhận đang bị căng thẳng và có ác ý sẵn với các đối tượng khác giới.
Nữ ca sĩ Mayu Tomita bị một fan (phải) đâm hơn 20 nhát dao. Ảnh: Japan Times. |
Năm 2019, một người đàn ông tự sát sau khi tấn công nhóm nữ sinh đang chờ xe buýt ở thành phố Kawasaki. Vụ việc khiến 2 người thiệt mạng và 17 người bị thương.
Tháng 5/2016, ca sĩ Mayu Tomita bị một fan cuồng nam đâm hơn 20 nhát dao. Nguyên nhân đằng sau là nữ ca sĩ đã từ chối và trả lại món quà kẻ này gửi tặng. Trước khi ra tay, hung thủ gửi hơn 400 tin nhắn đe dọa, chửi bới thần tượng.
Makoto Watanabe, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo, cho biết bạo lực là một kiểu phản ứng của thế hệ thanh niên Nhật Bản khi đối mặt với sự vô vọng.
“Trong quá khứ, những vụ tấn công như vậy chưa từng xảy ra. Truyền thông đã đưa ra thuật ngữ mới: ‘Kireru’ - từ để chỉ những người trẻ dễ nổi cơn tức giận và hành động mất kiểm soát”.
Ngoài ra, bạo lực nhắm vào phái yếu ở Nhật Bản còn bị tác động bởi kỳ vọng của xã hội lên nam giới.
“Số đông đàn ông chịu áp lực phải học hành chăm chỉ, đỗ vào trường đại học tốt, sau đó kiếm công việc mức lương cao để nuôi gia đình. Đó là quan điểm truyền thống ở Nhật Bản, song nó rất khác với những gì thế hệ cha, ông họ trải qua, khi áp lực về việc làm và tài chính chưa lớn như hiện tại”.
Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn báo cáo về nạn "khủng bố tinh dịch", hành vi không bị coi là phạm tội tình dục ở nước này. Ảnh: VICE. |
Vị giáo sư ví nam thanh niên xứ hoa anh đào giờ như “nhân của chiếc bánh sandwich, bị kẹp giữa giá trị truyền thống và tình thế hiện đại”.
"Khủng bố tinh dịch"
Còn tại Hàn Quốc, hành vi “khủng bố tinh dịch” - mô tả việc đàn ông xuất tinh vào quần áo hoặc tài sản của phụ nữ - đang khiến phái yếu sợ hãi.
Tháng 5, một công chức bị phạt 3 triệu won sau khi bị kết tội “phá hoại tài sản” vì xuất tinh vào cốc cà phê của một nữ đồng nghiệp 6 lần trong vòng 6 tháng.
Năm 2019, một nam sinh viên bị bỏ tù 3 năm vì "cố ý gây thương tích" sau khi pha cà phê của một bạn học nữ với hỗn hợp tinh dịch, nước bọt, thuốc nhuận tràng và thuốc kích dục.
Năm 2018, truyền thông địa phương đưa tin về trường hợp cô gái bị một kẻ lạ mặt ném bao cao su đã qua sử dụng vào túi xách trong lúc đang chờ tàu.
Điểm chung là tất cả trường hợp truy tố đều bị kết tội “cố ý phá hoại” vì tòa án cho rằng không đủ bằng chứng để kết luận hành vi quấy rối tình dục.
Các nhà vận động đang cố thay đổi điều này. Họ đề xuất sửa đổi các vụ việc “khủng bố tinh dịch” cần bị xét xử dưới dạng tội phạm tình dục.
Điểm chung
Theo William Cleary, giám đốc lâm sàng của dịch vụ hỗ trợ tư vấn và khủng hoảng TELL ở Tokyo, thực tế Nhật Bản và Hàn Quốc là những xã hội công nghệ cao, siêu kết nối.
Chính yếu tố này làm gia tăng tình trạng cô đơn ở người trẻ tuổi hay lợi dụng tính hiện đại của thiết bị để thực hiện những hành vi phạm pháp như chụp trộm, quay lén, chia sẻ hình ảnh nhạy cảm để trả thù, dùng công nghệ deep fake để ghép khuôn mặt của người khác vào ảnh khiêu dâm.
Tại Hàn Quốc, xuất tinh vào đồ đạc của phụ nữ không bị coi là tội phạm tình dục. Ảnh: IB Times. |
“Mặc dù công nghệ hứa hẹn giúp chúng ta kết nối với nhau hơn bao giờ hết, nhưng nó lại có tác dụng ngược lại vì rất nhiều người chỉ chăm chú vào thiết bị của họ. Kết quả cuối cùng là cá nhân thậm chí còn bị cô lập hơn, dẫn đến sự mất cân bằng trong hành vi", ông Cleary cho hay.
Theo ông Cleary, đại dịch Covid-19 càng làm tăng cảm giác đơn độc, dẫn đến trạng thái tức giận và hung hăng ở một số người. "Xã hội ít tập trung vào nam giới hơn trong các năm gần đây và những người bị bỏ lại phía sau không có cách nào để đối phó".
Chisato Kitanaka, phó giáo sư tại Đại học Hiroshima chuyên nghiên cứu về bạo lực tình dục, cho biết bạo lực đối với phụ nữ không phải là một hiện tượng mới ở Nhật Bản nhưng Internet đã góp phần làm vấn đề thêm gia tăng và phức tạp hơn.
“Điều đó có thể do nhiều người phải nhốt mình trong nhà vì dịch hoặc do hầu hết nam giới thực hiện các loại tấn công trực tuyến này đều còn trẻ tuổi và có kỹ năng sử dụng máy tính".
Sau cuộc tấn công hồi tháng trước ở Tokyo, các nhóm nữ quyền đã yêu cầu biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với đàn ông có hành vi bạo lực về giới.
"Dù khó ngăn chặn hơn khi thủ phạm là những kẻ có tâm lý bất ổn, cảnh sát và chính phủ vẫn cần làm nhiều hơn để ngăn chặn tội ác kiểu này", Tsumie Yamaguchi, phát ngôn viên của nhóm Women In A New World, nói.
Theo Zing
‘Sau 50 năm bị tấn công tình dục, tôi lần đầu dám nói ra’
Court Stroud (54 tuổi), nhà văn người Mỹ, nhiều lần bị tấn công tình dục nhưng chưa bao giờ dám phản kháng. Sau nhiều thập kỷ im lặng, ông kể câu chuyện của mình trên Newsweek.