Trước diễn biến khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra, ở nhiều tỉnh thành phố học sinh các cấp đã được cho phép nghỉ học một tuần; trong khi đó nhiều trường đại học cũng kéo dài kỳ nghỉ Tết thêm một tuần.

Việc học sinh - sinh viên được nghỉ học đáp ứng được nguyện vọng của nhiều gia đình muốn đảm bảo an toàn trong mùa dịch, dù cũng gây ra khó khăn đôi chút cho không ít phụ huynh khi sắp xếp người trông giữ trẻ và đảm bảo an toàn ở nhà.

Điều quan trọng là việc chúng ta, các cơ quan ban ngành và toàn xã hội nên tận dụng một tuần nghỉ vì virus Corona như thế nào? Vấn đề được nêu ra khá đầy đủ trong status của nữ Facebooker Hoàng Hường. Hãy cùng tham khảo status này:

Nghỉ một tuần do 2019-nCoV để làm gì?

zb1-nghi-mot-tuan-do-virus-corona-moi-thi-nen-lam-gi-vi-sao-nghi-mot-tuan-do-dich-2019-ncov-de-lam-gi.jpg

Trước diễn biến khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra, ở nhiều tỉnh thành phố học sinh các cấp đã được cho phép nghỉ học một tuần; trong khi đó nhiều trường đại học cũng đã kéo dài kỳ nghỉ Tết thêm một tuần.

"Chúng ta chờ gì và một tuần giải quyết được gì?

Sau mấy ngày hoang mang, Bộ Giáo dục cũng quyết định cho học sinh nghỉ một tuần. Tôi cho rằng đây là quyết định đúng. Nhiều người nói nghỉ một tuần thì giải quyết được gì, vì dịch còn kéo dài. Sau một tuần đi học vẫn có khả năng lây bệnh. Giáo viên, phụ huynh lại lo lắng căng thẳng như cũ, đâu lại vào đấy chứ có nghỉ luôn vài tháng hay cả học kỳ chờ hết dịch được đâu? Cuộc sống vẫn đảo lộn.

Nhưng tôi cho rằng đây là một tuần rất quan trọng. Đầu tiên, cả nước vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đã bị dội một núi thông tin chết chóc từ Trung Quốc. Tâm lý ai cũng hốt hoảng và không được chuẩn bị đối phó. Các cơ quan ban ngành sau đợt nghỉ Tết mới hoạt động trở lại nên vẫn lúng túng.

Ngay trong chuyện nghỉ học hay không nghỉ, cách ly thế nào, giải quyết khách du lịch và ngành dịch vụ, kiểm soát biên giới ra sao… thể hiện nhiều thông tin nhiễu loạn, lúng túng. Cứ tưởng tượng trong thời gian này có vài ca, hoặc vài chục ca nhập viện thì mọi việc chắc chắn hỗn loạn.

Việc cho sinh viên nghỉ Tết dài là rất kịp thời. Sinh viên các trường đại học đổ xuống một lúc lên cả vạn người, trong đó có nhiều bạn đi du lịch, bạn từ các địa phương có nhiều khách du lịch Trung Quốc… lên. Chưa cần các bạn dương tính với virus Corona, chỉ cần vài bạn hắt hơi sổ mũi, ốm sốt là đủ cả khu ký túc xá hốt hoảng, mạng xã hội hốt hoảng, và kéo theo nhiều vấn đề khác.

Các học sinh cũng vậy, thực tế 2 ngày đi học đầu tiên, các phụ huynh đã tự động cho con nghỉ học khá nhiều. Lớp học lác đác, các giáo viên và nhà trường quay cuồng trước vô số câu hỏi của phụ huynh, với chỉ đạo của cấp trên và từ truyền thông. Với sĩ số vắng vẻ, chất lượng dạy và học chắc chắn ảnh hưởng.

Khi có thêm một tuần hoãn binh, các cơ quan ban ngành bắt đầu làm việc trở lại làm việc sau Tết sẽ có nhiều thời gian để họp bàn và đưa ra các quyết định đúng, cũng như dự phòng cho các vấn đề phát sinh. Ví dụ như thị trường khẩu trang hay thiết bị y tế. Việc mua khẩu trang hỗn loạn một phần do người dân sợ lây bệnh, nhưng nhiều phần có những luồng thông tin sắp tới trẻ em bắt buộc phải đeo khẩu trang mới được đến trường, và 100% người dân ra đường phải đeo khẩu trang. Vì thế người dân đổ xô đi mua, chứ không hoàn toàn chỉ vì sợ lây nhiễm.

Trong một tuần nghỉ quý giá này, tôi nghĩ các bộ ngành nên tính toán các tình huống sau:

1. Tuần sau có bắt buộc trẻ em đeo khẩu trang đến trường không? Nếu có thì nguồn cung cấp nào đảm bảo cả số lượng và chất lượng?

2. Tập huấn cho các thầy cô giáo và nhân viên nhà trường hướng dẫn các em giữ vệ sinh giữa thời điểm dịch, và sẵn sàng xử lý hợp lý khi xuất hiện trường hợp bệnh.

3. Các bậc phụ huynh có một tuần bình tĩnh sau cú shock thông tin, sẽ điềm tĩnh hơn để biết làm gì tốt hơn cho con, cũng như phối hợp với trường học và các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ con tốt hơn.

4. Các trường đại học cần chuẩn bị kịch bản và cơ sở vật chất, các tổ hoạt động truyền thông / y tế đón mấy chục nghìn sinh viên quay lại; cần nhận thức rằng rất nhiều người trong đó có thể mang mầm bệnh. Cần làm gì trong các tình huống cụ thể.

5. Các trường học chuẩn bị sẵn đồ sát khuẩn tại chỗ…

…vv..

Cũng như trong một tuần qua rất nhiều việc đã được/phải làm: ngừng nhận người Trung Quốc du lịch, kiểm soát chặt người qua lại, hàng không tạm huỷ chuyến… Xã hội bị tạm giảm vận động, nhưng là điều bắt buộc.

Cũng như mấy hôm cố thủ trong nhà, tôi cũng tự hỏi: thế rút cục chúng ta chờ đợi gì? và trong bao lâu? Chờ hết dịch, chờ đến lúc có vacxin hay chờ gì… Có khi chưa hết dịch đã chết vì đói và buồn chán. Thực tế là nếu dịch kéo dài thì xã hội vẫn phải trở lại vòng quay của nó, không thể đóng cửa ngồi nhà cả tháng, cả năm; không đi học hay đi làm.

Vì thế một tuần này là rất quan trọng và ý nghĩa, để mọi người biết nên làm gì, để đối mặt với vấn đề một cách chủ động".