CEO của Hortonworks là Rob Bearden đã đưa ra một dự đoán vào tháng 3/2014 rằng công ty phần mềm này sẽ đạt “doanh thu dự kiến 100 triệu USD” vào cuối năm đó. Tuy nhiên, con số thực tế nhỏ hơn rất nhiều sau khi Hortonwork IPO. Sự thật là họ chỉ đạt 46 triệu USD doanh thu vào năm ngoái.

Hóa ra, lần đó Bearden không nói về doanh thu thật, ông đề cập đến mục tiêu đạt 100 triệu USD cho những “billings” (hóa đơn) – một trong những thước đo mà các doanh nghiệp tương tự như Hortonworks đang dùng mà không hề có trong chuẩn quy tắc kế toán thông thường.

% những công ty tạo ra lợi nhuận trong vòng 12 tháng trước khi IPO.

Thực tế khi cố gắng tranh giành nhà đầu tư để họ rót tiền vào công ty trong nỗ lực phát triển lớn hơn, một vài công ty khởi nghiệp (startups) đã bất chấp và sử dụng những quy tắc kế toán không theo chuẩn thông thường. Cụ thể, thay vì doanh thu, những công ty tư nhân này đề cập đến số lượng “đơn đặt hàng”, “doanh thu theo định kỳ hàng năm” hay những con số khác chứ không phải doanh thu thực.

Những cách thức này hoàn toàn hợp pháp bởi họ là công ty chưa niêm yết. Bản thân những công ty đại chúng cũng có thể sử dụng “non-GAAP” (những hình thức không tuân theo bộ quy tắc chuẩn kế toán) nhưng phải giải thích và công bố cách tính toán khác biệt những gì so với chuẩn kế toán thông thường.

Khi Bearden đưa ra dự đoán vào năm ngoái, Hortonwork vừa huy động được 100 triệu USD và giá trị công ty đạt hơn 1 tỷ USD. Tháng 12 họ chính thức IPO và hiện đạt giá trị khoảng 1,1 tỷ USD và đang được yêu cầu tuân theo những quy tắc kế toán thông thường bao gồm cả việc tiết lộ doanh thu thực.

Các nhà đầu tư thường ít lo ngại về các công ty đầy hứa hẹn miễn là họ đạt tốc độ phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều lãnh đạo các công ty công nghệ còn khẳng định rằng những số liệu không truyền thống như mức độ thu hút khách hàng, khoảng cách vượt xa các đối thủ cạnh tranh… thường là công cụ đo tốt hơn khi nói về sự phát triển của một công ty và đẩy giá trị lên cao hơn.

Những người theo chủ nghĩa hoài nghi thì cho rằng, các nhà đầu tư đang quá mơ hồ và những quy tắc tài chính không chuẩn mực đang khiến thổi phồng giá trị của các công ty khởi nghiệp công nghệ trẻ.

Bill Gurley – một đối tác của công ty vốn mạo hiểm Benchmark tại San Francisco phàn nàn trên blog cá nhân của mình vào tháng 2 rằng rất nhiều khoản đầu tư lớn vào các công ty công nghệ được thực hiện chỉ sau những lời “rao hàng” thông qua… PowerPoint.

Ông viết: “Các nhà đầu tư một mực nói rằng những con số họ nhìn thấy trong tài liệu mời huy động vốn hoàn toàn giống với những gì họ nhìn thấy trong hồ sơ IPO. Thậm chí, một vài người còn tự loại bỏ những phân tích rủi ro thông thường”. Bản thân Benchmark cũng là một trong số những nhà đầu tư sớm nhất vào Hortonwork và Gurley nói rằng công ty này hoàn toàn minh bạch về tài chính thời điểm trước IPO.

Tạp chí WSJ đã so sánh số liệu doanh thu và các dự án của 50 startup công nghệ khi còn là công ty tư nhân với kết quả tài chính sau IPO trong cùng một giai đoạn. Kết quả cho thấy, 15 trong số đó bao gồm cả Hortonwork đã báo cáo những con số thấp hơn. Tổng cộng số lượng giảm sút tại 15 công ty này rơi vào khoảng 760 triệu USD (tương đương với 25% doanh thu bán hàng gốc hay các dự án của họ).

 

Một số hình thức non-GAAP được các công ty công nghệ sử dụng

Trên thực tế Ủy ban chứng khoán (SEC) thường không can thiệp vào tình hình tài chính cho đến khi một công ty nộp hồ sơ IPO. Cơ quan này từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này nhưng họ tuyên bố sẽ ngày càng soi xét kỹ hơn với những hình thức “non-GAAP” mà các công ty non trẻ đang sử dụng.

Bản thân Facebook, trong quý đầu tiên công bố báo báo tài chính, tổng thu nhập của họ cũng đạt ít hơn một sửa so với cách tính toán non-GAAP. Người phát ngôn của Facebook từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.

Một vài người nói rằng khoảng cách giữa 2 số liệu lớn như vậy thực sự đáng lo ngại. Tuy nhiên, điều đáng nói là các nhà đầu tư vẫn lạc quan dù mới chỉ có 2 trong số 13 công ty công nghệ IPO trong năm nay báo lãi trước khi IPO, theo Jay Ritter – giáo sư tài chính đến từ đại học Florida.

Lãnh đạo các statups trẻ có cơ hội làm “những gì họ cần để tạo ra thước đo kỳ diệu bất kể chúng có phù hợp trong dài hạn hay không”, theo Lise Buyer – một chuyên gia tư vấn tại thung lũng Silicon.

Trong năm 2010, Rubicon Project nói rằng họ “đã có lợi nhuận”. Số lượng quảng cáo trên mạng lưới trực tuyến của công ty tại Los Angeles “tạo ra doanh thu hàng năm trên 100 triệu USD”.

Rubicon cũng dự đoán rằng doanh thu của công ty sẽ “tăng đến 200 triệu USD vào năm 2011”. Đến năm 2014, công ty này chính thức IPO. Tuy nhiên, bản cáo bạch cho thấy công ty chỉ đạt mức doanh thu 37 triệu USD vào năm 2011 và lợi nhuận đạt ít hơn 15,4 triệu USD.

Todd Tappin – CEO đồng thời là giám đốc tài chính của Rubicon thì biện minh rằng số liệu được đưa ra vào 2010 phản ánh tất cả những giao dịch quảng cáo được thực hiện thông qua mạng lưới của họ. Tuy nhiên, sau khi IPO, Rubicon đã phải làm việc cùng SEC để xác định cách đúng đắn nhất khi tính toán doanh thu.

Công ty này vẫn chỉ sử dụng thuật ngữ “doanh thu được quản lý” để xác định cách theo dõi “tất cả chi phí của các giao dịch quảng cáo thông qua nền tảng của họ”. Tappin nói rằng nó là “một công cụ quan trọng” để cho thấy “rõ ràng nhất có thể”. Cụ thể, “doanh thu được quản lý” của họ tăng lên 667,8 triệu USD vào năm ngoái so với mức 238,8 triệu USD trong năm 2011.

Một ví dụ khác là Uber. Ứng dụng gọi xe này hiện thu hút được các nhà đầu tư bởi tốc độ phát triển các “booking” (đơn đặt hàng). Các nhà đầu tư gần đây định giá Uber ở mức 41 tỷ USD và công ty còn đang lên kế hoạch tăng từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ USD trong vòng huy động mới và có thể giúp Uber nâng mức giá trị lên 50 tỷ USD hoặc cao hơn.

Trong khi đó, số tiền Uber thu được từ những booking kể trên hầu như không được tiết lộ. Tuy nhiên, một người liên quan đến vấn đề này cho biết, sau khi thanh toán cho lái xe và các khoản giảm giá, Uber nhận được từ 20 cent đến 25 cent cho mỗi lượt xe. Nếu niêm yết, chắc chắn doanh thu thuần trên mỗi chuyến xe được Uber công bố sẽ còn ít hơn con số này.

Uber từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.