Ngoài BioPlas với sản phẩm hạt nhựa sinh học thân thiện với môi trường, tập 2 Shark tank mùa 4 tiếp tục chào đón Wiibike - “startup khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông xanh”. Sản phẩm chính của Wiibike là các dòng xe đạp trợ lực điện nguyên chiếc, sử dụng pin lithium.
Đáng chú ý khi khung xe của Wiibike được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, trong đó có tre là vật liệu tái tạo thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Wiibike còn cung cấp bộ Wiibike kit để biến xe đạp thường thành xe đạp trợ lực điện trong vòng 15 phút.
Dự án xe đạp điện trợ lực Wiibike vừa xuất hiện tại tập 2 của Shark Tank mùa 4. |
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu Hằng - đồng sáng lập và điều hành Wiibike, start-up này có sản phẩm thử nghiệm từ năm 2017. Hiện Wiibike đang có lãi gộp ở mức 51% với doanh thu 2,3 tỷ đồng trong 9 tháng, tính từ tháng 7 năm ngoái.
“Dù chưa triển khai bất kỳ chiến dịch truyền thống quảng bá nào, dự án đã thu hút được 300 khách hàng mua chiếc xe này”, CEO của dự án chia sẻ.
Có một điểm đặc biệt khác khi nói về dự án xe đạp điện Wiibike, đó là công ty này có thể sản xuất các bộ kit để biến xe đạp thường thành xe đạp điện.
Theo anh Lại Thái Phong - chuyên gia phát triển sản phẩm của Wiibike, đây là các bộ kit Make in Vietnam do công ty tự sản xuất. Bộ kit này có cơ cấu điều chỉnh kích thước để có thể lắp ở bất kỳ chiếc xe đạp nào, kể cả những mẫu xe có kích thước bánh khác nhau.
Bộ Kit với khả năng biến xe thường thành xe đạp điện được gắn ở phần yên xe. |
“Điều quan trọng nhất của bộ kit là cách làm ra cục pin ở trong đó. Muốn đạt hiệu suất cao, bộ kit phải sử dụng cell dung lượng cao và có cách kết nối tốt. Ý tưởng này được nghiên cứu và học hỏi từ các công nghệ đã có sẵn trên thế giới.”, anh Phong chia sẻ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ mới đang trong quá trình tư vấn để đăng ký bản quyền phát minh sáng chế.
Gây được ấn tượng với các Shark, tuy nhiên điều khiến nhà đầu tư băn khoăn về Wiibike chính là mức định giá có phần khó hiểu của doanh nghiệp này.
Theo CEO Nguyễn Thị Thu Hằng, Wiibike đáng giá 150 tỷ đồng và start-up này đến Shark Tank để gọi vốn ở mức 1,5 tỷ đồng đổi lấy 1% cổ phần của doanh nghiệp.
Cơ sở để Wiibike đưa ra con số trên dựa vào việc định giá theo chiết khấu dòng tiền. Theo đó, từ nay đến năm 2030, Wiibike dự định sẽ bán ra 2 triệu xe, tương ứng 600 triệu USD, lợi nhuận sau thuế là 67 triệu USD. Hơn nữa, theo CEO Wiibike, từng có case study (trường hợp) tương tự gọi vốn thành công tại Shark Tank và được định giá 6 triệu USD.
Nguyễn Thị Thu Hằng - nhà đồng sáng lập và điều hành Wiibike. |
Trước cách tự định giá của doanh nghiệp, các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm như Shark Hưng, Shark Bình, Shark Phú và Shark Việt đều tỏ ra nghi ngờ và cho rằng đây là cách tính “đếm cua trong lỗ”, thậm chí có biểu hiện của việc “ngáo giá”.
Theo Shark Hưng, đây là mô hình kinh doanh không mới, khó chấp thuận đây là phát minh sáng chế mà chỉ dừng lại ở kiểu dáng công nghiệp hoặc giải pháp hữu ích. Kiểu dáng xe không đẹp, không thể hiện được phong cách, các con số đưa ra cũng không thuyết phục. Do vậy, “cá mập địa ốc” đã quyết định bỏ qua thương vụ này.
Tiếp theo Shark Hưng, 2 cá mập khác của chương trình là Shark Việt và Shark Liên cũng “từ bỏ cuộc chơi” vì cho rằng thương vụ đầu tư này còn thiếu nhiều cơ sở.
Trước phản ứng của các Shark, CEO Nguyễn Thị Thu Hằng giữ vững lập trường khi khẳng định những điều mình làm sẽ đóng góp giá trị và tạo sự ảnh hưởng lớn tới lối sống, môi trường sống của người dân Việt Nam. Dù có gọi vốn thành công hay không, Thu Hằng khẳng định sẽ vẫn tiếp tục thực hiện ước mơ này.
“Định hướng của Wiibike không chỉ dừng lại ở sản phẩm mà muốn đưa ra các giải pháp về giao thông xanh để thực sự đóng góp cho hệ thống giao thông ở Việt Nam”, nhà sáng lập Wiibike chia sẻ.
Sau khi kêu gọn vốn, nhà sáng lập Wiibike đã thu về 1,5 tỷ cho 10% cổ phần. |
Để thuyết phục 2 Shark còn lại, Thu Hằng tiết lộ: “Xe đạp trợ lực điện Wiibike là mẫu xe duy nhất thuyết phục được một tập đoàn bán lẻ hàng đầu Châu Á của Nhật Bản. Họ đã chào đón và xem đây là sản phẩm mũi nhọn để kinh doanh tại thị trường Việt Nam”.
Sau phần chia sẻ thêm của nhà đồng sáng lập, Shark Phú quyết định đưa ra đề nghị 1,5 tỷ cho 10% cổ phần. Shark Bình cũng quyết theo thương vụ này khi đưa ra đề nghị 3 tỷ cho 33% cổ phần cùng gợi ý Wiibike nên tập trung vào sản phẩm là bộ kit chuyển đổi xe đạp thường thành xe đạp điện.
Sau một thời gian trao đổi qua lại giữa 2 Shark, Thu Hằng đã đồng ý với đề nghị của Shark Phú. Chia sẻ sau chương trình, CEO Wiibike cho biết dù mức định giá không được như kỳ vọng, chị không mặc cả với mong muốn sẽ nhận lại sự đồng hành thường xuyên của “cá mập” này.
Với tầm nhìn giao thông Việt Nam sẽ sớm muộn cần được phát triển theo hướng thân thiện hơn, CEO Nguyễn Thị Thu Hằng tin rằng xe đạp trợ lực Wiibike sẽ là một trong các giải pháp phù hợp, ít tốn chi phí và không phải chờ đợi lâu để có được. Hơn nữa, CEO Thu Hằng tin rằng xe đạp giờ không chỉ là phương tiện mà còn là một phong cách sống hiện đại, đề cao lối sống lành mạnh và góp phần tích cực cho môi trường. "Khi dịch Covid-19 bắt đầu, tôi hoàn toàn đi làm bằng xe đạp và chợt thấy hạnh phúc hơn nhiều vì cảm giác thong dong trên phố. Thêm vào đó, việc tập luyện thể thao mỗi ngày chưa bao giờ dễ và đều đặn đến thế", CEO Thu Hằng chia sẻ.
Trọng Đạt
Start-up dịch vụ TMĐT cho nam giới gọi vốn thành công tại Shark Tank
Chương trình gameshow Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) mùa 4 vừa chính thức mở màn. Ngay từ tập đầu tiên, Shark Tank đã thu hút người xem với sự xuất hiện của start-up với mong ước tạo nên đế chế thương mại điện tử dành cho nam giới.