Khi Spotify ra mắt vào năm 2008, rất nhiều người đã hỏi “vì sao Apple không tiêu diệt ứng dụng nghe nhạc trực tuyến này từ khi còn trong trứng nước?”. Khi đó, giám đốc nội dung của Spotify là Ken Parks đã có một câu trả lời đơn giản: “Có lẽ là vì Apple nghĩ rằng điều đó không cần thiết”.
Vào thời điểm đó, cửa hàng iTunes của Apple vẫn đang thống trị trong ngành công nghiệp âm nhạc trực tuyến. Tất nhiên lúc đó Apple Music chưa ra mắt, vì vậy iTunes chỉ thống trị trong mảng cho phép tải nhạc về máy chứ không phải nghe nhạc trực tuyến.nullnull
Spotify lại là một dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, chứ không phải tải nhạc. Vì vậy Spotify trên thực tế không phải là mối đe dọa với Apple. Thay vào đó, các chuyên gia so sánh Spotify với các dịch vụ âm nhạc khác như Pandora, MOG, Grooveshark và Rdio.
Hầu hết các dịch vụ âm nhạc trên, ngoài Pandora, đều đã đóng cửa. Spotify dễ dàng thành công và ngày càng có nhiều người sử dụng. Cho đến khi Spotify thực sự trở thành một thế lực lớn, các gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google hay Amazon mới nhảy vào thị trường này.
Rất nhiều những lời quảng cáo và tung hô kiểu như “kẻ giết chết Spotify”, nhưng cuối cùng thì Spotify vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ trước sự cạnh tranh của các ông lớn khác.
Spotify khẳng định việc đánh bại Apple
Sau khi Apple ra mắt dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Apple Music, đây được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Spotify. Tuy nhiên trong hồ sơ đăng ký IPO của mình, Spotify đã nhắc đến Apple không dưới chục lần.
Ngay trang đầu tiên của bộ hồ sơ, Spotify nhấn mạnh chiến thắng của mình trước đối thủ Apple Music. “Nền tảng người dùng dịch vụ của chúng tôi là lớn gấp 2 lần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất phía sau, Apple Music”, Spotify khẳng định.
Spotify có thể cạnh tranh được với 3 ông lớn của làng công nghệ thế giới, là nhờ có một nguồn tài chính dồi dào và sự tập trung vào một sản phẩm cốt lõi duy nhất. Amazon, Google hay Apple vẫn chỉ coi mảng kinh doanh dịch vụ nghe nhạc trực tuyến của mình như một phần phụ.
Ken Parks, hiện tại đã rời bỏ Spotify và hiện đang là giám đốc Pluto TV cho biết: “Hơn hai nghìn người cống hiến hết mình cho việc phát triển các giá trị âm nhạc và đưa dịch vụ này tới tất cả mọi người trên thế giới, sẽ hoàn toàn đánh bại một công ty mà âm nhạc không phải là một phần của hoạt động kinh doanh cốt lõi”.
Đó có thể là lý do giúp Spotify đánh bại Apple Music, trong quá khứ và trong cả hiện tại. Nhưng tương lai có thể sẽ hoàn toàn khác. Apple đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ nghe nhạc trực tuyến của mình và quyết tâm đánh bại Spotify.
Ông Pär-Jörgen Parson là một nhà đầu tư của Spotify và cũng là thành viên lâu năm trong hội đồng quản trị, cho biết: “Ban giám đốc của Spotify đã nhận thấy những khó khăn bắt đầu ập đến”.
Spotify sẽ trở thành một Snapchat thứ hai?
Ông Parson cho biết Spotify đang chiếm ưu thế hơn Apple Music nhờ số lượng người dùng áp đảo. Nhưng không vì thế mà Apple không thể gây ra những khó khăn nhất định đối với công ty. Các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy rằng Spotify sẽ gặp khó khăn, khi Apple tính phí 30% đối với việc đăng ký tài khoản trả phí của các ứng dụng trên App Store.
Vì điều khoản này, Spotify sẽ thu về được ít tiền hơn đối với mỗi tài khoản đăng ký trả phí, hoặc sẽ phải tăng mức giá để bù lại. Ông Parson gọi đây là tình trạng “độc quyền”, và Spotify cũng đã phản ánh với cơ quan chống độc quyền nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.
Cựu giám đốc điều hành của eMusic, David Pakman cho biết: “Spotify đã có một khởi đầu tốt và xây dựng được một sản phẩm tuyệt vời. Họ đã kiếm được một khoản tiền khổng lồ, để bù đắp những thiệt hại và dịch vụ không đem lại lợi nhuận”.
Spotify cho phép người sử dụng vẫn có thể nghe nhạc miễn phí và hỗ trợ hiển thị quảng cáo. Ban giám đốc của công ty tin rằng đây là một trong những lợi thế so với Apple Music, khi mà dịch vụ này chỉ cho phép một lựa chọn là đăng ký thuê bao trả phí.
Tuy nhiên sự thật cho thấy rằng Spotify đã lỗ ròng 1,5 tỷ USD trong năm 2017, tăng gấp đôi so với năm 2016. Nguyên nhân là do chi phí cho việc cấp phép bản quyền âm nhạc quá cao. Đối với một startup, việc thua lỗ là điều dễ hiểu và có thể chấp nhận được.
Thậm chí Spotify có thể tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư mới, hoặc tăng khoản nợ lên hàng tỷ USD. Tuy nhiên đó không phải là cách hoạt động của một công ty sau khi đã IPO, một công ty thực sự cần tạo ra lợi nhuận chứ không phải liên tục đốt tiền như một startup khởi nghiệp.
Spotify đang khiến chúng ta liên tưởng tới Snap. Ứng dụng nhắn tin Snapchat của Snap đã vô cùng thành công, thậm chí được đánh giá là kẻ thách thức Facebook. Tuy nhiên trong một năm đầu tiên kể từ khi IPO, Snap đã phải liên tục vật lộn với những khó khăn của mình để đảm bảo có được kết quả kinh doanh tốt.
“Apple, Amazon hay Google có thừa khả năng để duy trì dịch vụ của mình, cho dú nó thua lỗ trong nhiều năm. Spotify không có khả năng đó, đặc biệt là sau khi đã IPO. Câu hỏi là các nhà đầu tư có thể chấp nhận Spotify thua lỗ trong bao nhiêu lâu?”, ông David Pakman nhận định.
Tất nhiên chúng ta vẫn kỳ vọng vào Spotify, để biến câu chuyện chàng David chiến thắng gã khổng lồ Goliath trở thành sự thật. Bên cạnh Spotify cũng còn có Dropbox - một startup từng bị Apple gạ mua và “dọa sẽ hủy diệt” - nhưng vẫn quyết tâm nộp hồ sơ IPO vào tháng 2 vừa qua.
Theo GenK