"Tình yêu là một điểm đến trong cuộc hành trình mà mỗi người đều trải qua và chuyện chia tay là điều không tránh khỏi khi tình yêu chưa gặp được một nửa đích thực, chưa đủ độ chín để kết duyên trăm năm. Chúng ta, những ông bố, bà mẹ đương nhiên đều đã trải qua những cung bậc cảm xúc trong tình yêu, có vui, có buồn, có duyên hội ngộ cũng có khi chia tay. Bởi thế, việc dạy cho con gái cách chia tay bạn trai/người yêu một cách êm đẹp không phải quá khó" - chia sẻ của chị Vân Anh (ở Lương Yên, Hà Nội).
Theo chị, câu chuyện thảm án Bình Dương khiến bản thân cảm thấy bất an và lo lắng. Chị bảo, khi con gái lớn lên nhất định sẽ phải theo sát chuyện tình cảm của con để kịp thời tư vấn cách chọn bạn, tháo gỡ rắc rối cho con. Trong trường hợp con gái phải chia tay bạn trai chị cũng sẽ tìm hiểu thật kỹ tính cách của đối tượng để có giải pháp phù hợp.
Hình ảnh có tính chất minh họa |
"Bởi có những chàng trai rất điềm tĩnh, nhẫn nại và sòng phẳng nhưng cũng có những người ích kỷ, nhỏ nhen - sẵn sàng thể hiện quan điểm “không có được thì phá” hoặc cố tình níu kéo bằng mọi giá rất đáng sợ" - chị Vân Anh chia sẻ. Các cụ vẫn nói “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nếu mối quan hệ tình cảm của con không thể duy trì được, chị sẽ lựa lời trò chuyện, tâm sự với đối phương để họ hiểu được vấn đề và chia tay một cách êm đẹp.
Chị cũng cho rằng, khi chia tay thì con gái phải chủ động nói chuyện một cách thẳng thắn, chân thành, trên cơ sở tôn trọng đối phương. Tránh trường hợp một số cha mẹ vì không thích bạn trai của con đã chửi mắng và tỏ thái độ khinh thường hoặc moi móc chuyện trình độ học vấn, gia cảnh để so sánh, hạ thấp. Thậm chí chính các cô gái khi chia tay người yêu lại bới móc những chuyện chưa hay, những mặt chưa hoàn thiện trong tính nết, cách ứng xử hoặc hoàn cảnh gia đình để làm cái cớ… Điều đó sẽ gây tổn thương lòng tự trọng của họ, nhất là với những thanh niên mới lớn, thường hiếu thắng và tự ái cao, khi bị kích động dễ làm liều hoặc có những hành vi không thể kiểm soát được. Trong trường hợp đối tượng không chấp nhận chia tay, cố tình làm phiền thì chị sẽ dùng biện pháp cách ly, thực hiện phương châm “xa mặt, cách lòng”.
Chị đưa minh chứng bằng câu chuyện của cô cháu gái. Thời điểm cô bé học THCS đã có bạn trai nên vợ chồng chị rất đau đầu (bố mẹ bỏ nhau, mẹ cô bé sống ở nước ngoài). Biết rõ cậu bạn này không đáng tin cậy nhưng chồng chị không cấm đoán gay gắt mà thường chủ động nói chuyện gần xa, phân tích để cậu bạn này hiểu rằng cô bé còn nhỏ, phải tập trung học hành, yêu đương sớm không tốt.
Sau một thời gian cô cháu gái cũng muốn chia tay để lo học hành, thi vào cấp 3 nhưng bạn trai lại cứ cố tính níu kéo, lúc thì chờ ở cổng trường, lúc đến nhà rủ đi chơi. Cuối cùng, nhân kỳ nghỉ hè, vợ chồng chị đã đưa cô bé vào Nam sống với họ hàng. Kết quả của việc cách ly này là cậu bạn trai nhanh chóng có bạn gái mới và cháu gái chị cũng không băn khoăn, lưu luyến gì về cậu ta nữa.
Chị Huệ (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn không thể tin nổi chỉ vì hận chuyện tình cảm không như ý mà dẫn đến thảm án giết người ở Bình Phước. "Cô con gái đang độ tuổi trăng rằm, chỉ nay mai là có bạn trai chị phải làm sao đây?" - chị nói. "Nếu có trường lớp nào dạy con cách chọn người yêu, cách chia tay sao cho yên ổn tôi sẽ đăng ký đầu tiên."
Chị cũng chợt nhận ra con gái đã lớn mà mình vẫn chưa thực sự hiểu về con, chưa dành nhiều sự quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm của con cũng như các mối quan hệ với bạn bè xung quanh. Chị bảo, sự bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ thường dẫn đến những lời nói, cử chỉ, hành động không đúng mực, tác động xấu đến đối phương. Nếu con gái và mẹ có sự gần gũi, tin tưởng và chia sẻ tất cả mọi chuyện với nhau thì những khúc mắc trong chuyện tình yêu sẽ được giải quyết dễ dàng. Trong trường hợp phải chia tay, với kinh nghiệm và vốn sống của mình, người mẹ sẽ góp ý và chỉ bảo cho con gái cách ứng xử hợp lý. Nhưng quan trọng hơn cả, là gia đình, cha mẹ phải giáo dục con gái có lối sống trong sáng, lành mạnh, chuẩn mực. Đó là cách tự bảo vệ mình tốt nhất.
***
Câu chuyện ở Bình Phước có thể xa về khoảng cách địa lý nhưng lại không xa lạ với mỗi gia đình. Chúng ta không thể nói trước tương lai, cũng không bao giờ chờ đợi những chuyện không may mắn, nhưng cuộc sống luôn là những bất ngờ nối tiếp nhau. Vì thế việc rèn luyện cho con cái những kỹ năng sống nhất là kỹ năng xử lý chuyện tình cảm là điều cha mẹ nên làm.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Cách chia tay không thù hận? 1. Không nên quyết định chia tay quá đột ngột: Hãy có bước đệm để cả hai chuẩn bị tâm lý thích nghi dần với nỗi đau này. Nếu đối phương nài nỉ, nên giải thích rõ lý do rồi hẹn "tạm chia tay" để hai bên có thêm thời gian suy nghĩ kĩ, sau đó tìm cách khéo léo buông bỏ dần dần. 2. Không xúc phạm nhau: Một câu nói xúc phạm (của bạn hoặc của cha mẹ bạn đối với anh ta) cũng thổi bùng cơn giận trong lòng họ (dù họ xứng đáng với lời xúc phạm đó đi chăng nữa). Một bà mẹ đã đuổi anh chàng ra khỏi nhà và rất có thể đó là một phần lý do anh ta quay lại với nhiều nhát dao sát hại. Một que diêm có thể đốt cháy cả khu rừng, một lời xúc phạm sẽ đốt cháy nhiều thứ hơn ta tưởng. Hãy cố gắng dùng những lời lẽ kiềm chế nhất. 3. Không phủ nhận sạch trơn quá khứ: Không nên bảo "Quen anh tôi chẳng được gì!" hay "Thằng đào mỏ!", "Xem như mấy năm qua chưa hề tồn tại đi!", "Tôi không còn yêu anh nữa!"... Những câu ấy là con dao hai lưỡi, cứa vào tim anh ta và có thể sẽ quay ngược đâm lại chính mình. 4. Không nên khiêu khích cơn ghen tức: Khi mới chia tay, hạn chế thấp nhất khả năng anh ta biết mình có người yêu mới (dù điều này chẳng có gì sai cả). Hạn chế thể hiện tình cảm với người yêu mới ở những nơi mà anh ta dễ dàng nhìn thấy. Đó một phần cũng là lịch sự, cũng là tự bảo vệ mình. 5. Không phũ phàng để họ có cảm giác bị bỏ rơi: Hết tình thì còn nghĩa. Thỉnh thoảng nên gọi điện thoại thăm hỏi tình hình của người cũ (nếu họ không phản đối) để anh ấy không có cảm giác bị bạn bỏ rơi. Một cuộc gọi sẽ an ủi và hoá giải được nhiều cảm xúc của anh ấy hơn bạn tưởng. Tuy nhiên, chỉ quan tâm vừa phải để họ không hiểu lầm rằng ta muốn quay lại và nuôi hy vọng. Ngoài ra, hãy nhờ người thân, bạn bè, những người xung quanh anh ấy chăm sóc an ủi động viên, để anh ấy nhận ra rằng, còn rất nhiều người khác quan tâm mình. Nói chung, bạn gái cần tùy người, tùy hoàn cảnh mà linh hoạt để nghĩ cách chia tay khéo léo nhất. Vì những vụ gần đây cho thấy, bạn gái thường là người phải hứng chịu hậu quả nặng nề. Còn các chàng trai cũng cần phải nhớ: Cuộc đời là một con đường không bằng phẳng, không phải tình cảm lúc nào cũng như ý của mình. Nếu mảnh ghép đó không khớp với mình, thay vì trả thù bằng những đòn hèn hạ, hãy dũng cảm chấp nhận sự thật, đó mới là bản lĩnh đàn ông. Ngoài ra, trên đời này không phải chỉ có một người để yêu. Người ta thường phải nhầm lẫn vài lần trước khi tìm ra được một nửa thật sự của mình. Đừng vì cơn ghen hay lòng thù hận mà đốt cháy người khác và thiêu cháy cả cuộc đời mình. Thế nên: Yêu cũng cần phải học cách chia tay. (Theo Zing) |
Đỗ Quyên