Mới đây, một lãnh đạo UBND TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cho biết trước tình trạng sốt đất bất thường tại xã Thiện Nghiệp, nơi dự kiến xây dựng sân bay Phan Thiết, chính quyền TP Phan Thiết vừa thành lập đoàn liên ngành khảo sát, kiểm tra.
Sàn giao dịch bủa vây vùng ven
Thực tế, câu chuyện sốt đất ở Thiện Nghiệp đã kéo dài hơn một năm qua, không âm ỉ mà bùng phát công khai. Đầu tháng 4 năm nay, trong vai một đại gia ở Sài Gòn đi săn lùng mua đất, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến một xã vùng ven Phan Thiết nhưng quán cà phê mọc lên dày đặc. Quán nào cũng chật kín người, ô tô đậu cắn đuôi nhau.
Tại quán cà phê sân vườn NS, một người đàn ông trung niên, ăn mặc khá bình dân vừa thấy chúng tôi đậu xe đã sà tới thao thao bất tuyệt về giá đất. Người này tự giới thiệu là người của tập đoàn bất động sản (BĐS) ĐS tại TP.HCM, tập đoàn này đang bỏ cả ngàn tỉ đồng để thu gom đất vùng này vì thấy được tiềm năng rất lớn trong tương lai. Theo người này, cách đây một năm, giá 1ha đất nông nghiệp ở Thiện Nghiệp chỉ 2 tỉ đồng, nay đã tăng lên 10 tỉ đồng.
“Đó là đất ven, còn miếng nào nằm dọc tuyến đường hướng vào khu quy hoạch sân bay Phan Thiết là 50-60 tỉ đồng/ha rồi. Sáng nay mới có cặp vợ chồng ở Hà Nội mua 10ha ở đây” - người đàn ông nói chắc nịch. Chúng tôi thử tìm trên Google, hỏi người quen, không ra một thông tin nào về tập đoàn ĐS.
Vừa rời quán, lập tức có cả chục thanh niên chạy xe máy theo chúng tôi mời vào quán cà phê V. Quán này bên ngoài bán cà phê, bên trong có phòng máy lạnh treo bảng “sàn giao dịch BĐS”.
Theo những thanh niên này, ngoài Thiện Nghiệp, đất Phan Thiết còn sôi động ở các xã vùng ven như Tiến Lợi, Tiến Thành và họ sẵn sàng đưa chúng tôi đi xem đất.
Ô tô biển số nhiều tỉnh, thành ngày nào cũng đậu cắn đuôi nhau dò giá đất ở Thiện Nghiệp. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Muôn kiểu thổi giá đất
Ông Lâm, một chuyên gia BĐS, cho biết các đợt sốt đất dù ở địa phương nào cũng đều do các nhà đầu tư ở Hà Nội, Sài Gòn thổi lên. Họ là những người có tiềm lực tài chính mạnh, thường được gọi là những “con sói”.
Theo ông Lâm, ban đầu họ sẽ đổ quân, đổ tiền săn lùng mua một số lô đất với giá thấp lúc thị trường chưa sôi động. Sau đó nhóm này tìm cách mua tiếp các lô đất gần đó hoặc mua đi bán lại chính các lô đã mua trước đây với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường, cùng lúc tung thông tin khu vực đã bắt đầu sốt để lôi kéo các nhà đầu tư khác.
“Thậm chí họ tổ chức cả hội thảo, hội nghị; tung thông tin ra truyền thông rằng sân bay sắp khởi công, Mũi Né nơi sát Thiện Nghiệp là khu du lịch biển quốc gia, rằng đất ở đây chỉ lên chứ không xuống... Họ lợi dụng tâm lý đầu tư theo hiệu ứng đám đông, nhiều nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào mua đất chờ lên giá kiếm lời, góp phần tạo ra cơn sốt ảo, đẩy giá lên cao rồi trục lợi” - ông Lâm bật mí.
Cũng theo chuyên gia này, một chiêu khác của các cò đất là tự tạo cơn sốt. Họ huy động lực lượng cùng đến xem một mảnh đất với khách hàng thật. Mỗi người trả một giá, người sau luôn trả cao hơn người trước, cứ thế cho đến khi “cò cái” giả vờ chịu giá cho người cao nhất, tiền cọc được đặt ngay tại chỗ. Nhiều người thấy dễ ăn, bỏ tiền hoặc vay mượn khắp nơi mua rồi ghim đất để đó chờ được giá. Đến thời điểm chín muồi, nhóm này bất ngờ rút đi, để lại “quả bom” cho những nhà đầu tư đánh lẻ. Cơn sốt hạ, nhiều nhà đầu tư sau mua đất giá cao của nhà đầu tư trước đành phải bán ra ồ ạt để cắt lỗ.
Những nhà đầu tư sau cùng này thường bị gọi là những “con cừu”. Tài nguyên, nguồn lực của xã hội lãng phí đã đành mà hậu quả để lại là vô cùng lớn. Chỉ có những đạo diễn, những “con sói” sau mỗi đợt bỏ tiền xuống thổi giá đất rồi rút đi với vài chục ngàn tỉ đồng trong tay. Còn những “con cừu” chỉ nghe hơi đã ra tiền, đầu tư theo đám đông mà không hiểu rõ thị trường phải ở lại, cay đắng giải quyết hậu quả.
Họ đã kiếm tiền tỉ như thế nào? Chuyên gia BĐS ở Phan Thiết chia sẻ câu chuyện về một người bạn tên Hải, anh này đã nhẹ nhàng bỏ túi hàng chục tỉ đồng chỉ trong thời gian rất ngắn. Thời điểm đó, Hải cùng nhóm bạn bỏ ra 30 tỉ đồng mua 100ha đất trồng keo lá tràm ở Thiện Nghiệp với giá 300 triệu đồng/ha. Ai cũng ngỡ ngàng vì giá thị trường cao lắm cũng chỉ 200 triệu đồng/ha. Một thời gian sau, thông tin về đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và sân bay Phan Thiết sắp khởi công, họ rao bán 700-800 triệu đồng/ha nhưng nhiều nhà đầu tư còn thăm dò nên không bán được. Lập tức Hải và những người bạn tung chân rết săn lùng mua những lô đất ở liền kề với giá 1 tỉ đồng/ha. Họ không chọn diện tích lớn mà chỉ mua từng sào (1.000m2), đặt tiền liền và có người khác sang nhượng lại ngay với giá cao hơn. Trong ba ngày, họ mua đúng 1ha nữa, phân thành 10 lần giao dịch để tạo thành cơn sốt. Chưa đầy một tuần sau, họ bán sạch 100ha với giá 800 triệu đồng/ha, trong đó chịu lỗ 1ha đã mua với giá 1 tỉ đồng. Chỉ với một phép tính đơn giản, bằng chiêu thổi giá này, chưa tới một tháng họ đã lãi gần 50 tỉ đồng với vốn bỏ ra là 31 tỉ đồng. |
Theo Báo Pháp luật
Sân bay Phan Thiết 'chết yểu', cò đua nhau thổi giá đất
Cơn sốt đất ảo đang diễn ra quanh khu vực dự án Sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.