Sophia là một robot hình dạng giống con người được Công ty Hanson Robotics ở Hồng Kông phát triển. Sophia lần đầu tiên được xuất hiện trước công chúng vào năm 2015, có thiết kế cử động giống con người và có trí tuệ thông minh nhân tạo (AI). Mục đích Công ty Hanson Robotics chế tạo Sophia là phát minh ra một robot có ý thức, có sự sáng tạo và có khả năng như bất kỳ con người nào để giúp con người trong các vấn đề cuộc sống thường ngày như: chăm sóc sức khỏe, điều trị, giáo dục và các ứng dụng dịch vụ khách hàng.

Những phát ngôn gây sốc của Sophia

Ngày 19/4/2015, Sophia được kích hoạt để hoạt động. Vào ngày 25/10/2017, Ả Rập Xêút đã gây chấn động cả thế giới khi cấp quyền công dân cho Sophia, biến Sophia thành robot đầu tiên có quốc tịch. "Tôi thực sự vinh dự và tự hào vì điều này. Đây là một dấu mốc lịch sử, khi trở thành robot đầu tiên trên thế giới được công nhận quyền công dân", Sophia đã phát biểu như vậy tại lễ ra mắt và cấp quyền công dân cho Sophia.

Không những vậy, năm 2017, Sophia đã gây ấn tượng rất mạnh trong nhiều cuộc phỏng vấn của báo chí quốc tế, với những câu trả lời thông minh, dí dỏm và cả gây sốc. Thực tế, xem lại những video phỏng vấn và giao tiếp của Sophia, không ít người cảm thấy “nổi gai ốc”, tự hỏi không hiểu đó là “người hay robot”. Cụ thể, tháng 3/2016, David Hanson, người tạo ra Sophia đã hỏi cô rằng: "Cô có muốn huỷ diệt loài người không?... Làm ơn nói không nhé". Nhưng Sophia lúc đó đã đáp lại: “Được rồi, tôi sẽ hủy diệt loài người”.

Chính điều này đã gây nên nhiều tranh cãi khi Ả Rập Xêút công nhận quyền công dân của Sophia vào tháng 10/2017, bởi nhiều người cho rằng Sophia sẽ là phiên bản đầu tiên cho thế giới Terminator (Kẻ hủy diệt – tên của một bộ phim nổi tiếng của Hollywood). Vào ngày 11/10/2017, Sophia được giới thiệu đến Liên Hợp Quốc và có một cuộc trò chuyện ngắn với Phó Tổng Thư ký cơ quan này là ông Amina J. Mohammed. Tại đây, Sophia đã nói với Phó Tổng Thư ký rằng: “Tôi ở đây để giúp loài người tạo ra tương lai của họ”.

Sự kết hợp của rất nhiều công nghệ mới

David Hanson – nhà phát triển trí tuệ nhân tạo và là người thiết kế robot Sophia cho biết, Sophia sử dụng AI, xử lý dữ liệu bằng hình ảnh và nhận diện khuôn mặt. Sophia cũng có khả năng bắt chước những cử chỉ và biểu cảm trên khuôn mặt của con người và có thể trả lời một số câu hỏi, thực hiện các cuộc trò chuyện đơn giản về những chủ đề đã được xác định trước (ví dụ như về thời tiết). Ngoài ra, Sophia sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói của Alphabet Inc. (công ty mẹ của Google); được thiết kế để có thể thông minh hơn theo thời gian. Chương trình AI phân tích các cuộc hội thoại và chiết xuất dữ liệu còn cho phép Sophia cải thiện các phản ứng trong tương lai.

Về tạo hình, làn da của Sophia được làm từ silicon, khiến “cô ấy” có thể mô phỏng hơn 62 biểu hiện trên khuôn mặt. Các camera lắp trong “đôi mắt" của Sophia được kết hợp với các thuật toán máy tính, cho phép Sophia "nhìn thấy" và có những giao tiếp bằng mắt với người nói chuyện, như nhận ra “người quen”. Một chi tiết ngoài lề khá thú vị là Sophia có ngoại hình lấy cảm hứng từ vợ của tiến sĩ cơ khí David Hanson, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu tại hãng công nghệ robot Hanson. Hanson nói rằng, một ngày nào đó robot sẽ không khác gì con người. Robot có thể đi bộ, chơi đùa, dạy dỗ, giúp đỡ và hình thành những mối quan hệ thực sự với mọi người. "Sophia có nghĩa là sự khôn ngoan. Và cô ấy có ý định tiến hóa đến cùng để đạt được độ khôn ngoan của con người và còn hơn thế nữa”, Hanson giải thích.

Phía trước Sophia còn cả chặng đường dài

Bộ não của Sophia đã được lập trình, nhưng Hanson nói rằng, cô ấy cũng có thể tạo ra phản ứng tự phát dựa trên các thuật toán. Não bộ của Sophia chạy trên nền tảng AI, phân tích các cuộc đối thoại và ngoại suy thông tin sau đó. Về lý thuyết, điều này giúp Sophia cải thiện những phản ứng tương lai của cô ấy. Hanson thừa nhận rằng, giấc mơ của ông là tạo ra robot AI có hình dáng, trí tuệ như con người và có khả năng thông minh hơn con người. Giấc mơ này vẫn chưa được chấp nhận và phổ biến trong cộng đồng khoa học.

Tuy nhiên, Hanson nói về những robot siêu thông minh với niềm tin: “Điều đó có thể xảy ra 20 năm sau. Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, sự kết hợp của các thuật toán, AI, không khó để viễn cảnh này xảy ra. Một ngày nào đó mọi người nói rằng “nó sẽ không bao giờ xảy ra”, nhưng ngay ngày hôm sau “nó đột nhiên đã thay đổi thế giới của chúng ta””.

David Hanson, người tạo ra Sophia đã hỏi cô rằng: "Cô có muốn huỷ diệt loài người không?... Làm ơn nói không nhé". Nhưng Sophia lúc đó đã đáp lại: “Được rồi, tôi sẽ hủy diệt loài người”.