Theo Nikkei, hôm 9/11, Hội đồng quản trị TSMC chính thức thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip tại tỉnh Kumamoto của Nhật Bản, với vốn đầu tư ban đầu 7 tỷ USD.
Một công ty liên doanh giữa TSMC và Sony mang tên Japan Advanced Semiconductor Manufacturing sẽ được thành lập để vận hành nhà máy. Dự kiến cơ sở này bắt đầu sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2024.
TSMC sắp mở nhà máy sản xuất chip bán dẫn đầu tiên tại Nhật Bản. Ảnh: AP. |
Sony có kế hoạch rót vốn 500 triệu USD và nắm giữ dưới 20% cổ phần trong liên doanh mới. Theo TSMC, nhà máy chip sẽ tạo việc làm cho 1.500 lao động trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, chính phủ Nhật Bản cam kết ủng hộ mạnh mẽ.
Linh kiện bán dẫn đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia đối với các nước. Cuộc khủng hoảng nguồn cung trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành công nghiệp, từ lĩnh vực sản xuất điện thoại đến máy tính và ôtô.
Trong những năm qua, chính phủ Nhật Bản luôn tìm cách thu hút đầu tư từ TSMC, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới. Các công ty của nước này đã rời bỏ cuộc đua phát triển chip quy mô lớn từ giai đoạn 2010. Thay vào đó, họ đặt hàng những đơn vị như TSMC.
Với việc thông qua dự án hợp tác giữa tập đoàn Đài Loan và Sony, Nhật Bản hy vọng sẽ hồi sinh ngành sản xuất chip.
Theo Nikkei, Sony đang kiểm soát một nửa thị phần cảm biến hình ảnh dùng trong smartphone và camera kỹ thuật số trên toàn cầu. Công ty này tự sản xuất linh kiện tại nhà máy đặt ở tỉnh Kumamoto và Nagasaki. Tuy nhiên, vật liệu bán dẫn vẫn phải mua từ các nhà cung cấp khác, trong đó có TSMC.
Khi có cổ phần trong nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn, Sony sẽ duy trì nguồn cung ổn định cho mảng phát triển cảm biến camera. Trước đây, CEO Sony, Kenichiro Yoshida từng cho rằng việc mua vật liệu bán dẫn đều đặn là yếu tố rất quan trọng để duy trì khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trên thị trường quốc tế.
Theo kế hoạch, nhà máy mới được xây dựng bên cạnh cơ sở của Sony ở Kikuyo-cho, tỉnh Kumamoto và sẽ sản xuất linh kiện sử dụng công nghệ chip 22-28 nm. Đây không phải là những sản phẩm tiên tiến, nhưng chúng phù hợp với nhiều loại vi điều khiển và cảm biến hình ảnh được sử dụng rộng rãi trong cả ngành công nghệ lẫn ôtô.
TSMC sản xuất hơn 90% linh kiện bán dẫn tại Đài Loan. Ngoài ra, họ có chi nhánh đặt tại Nam Kinh (Trung Quốc) và đang xây dựng thêm cơ sở tại Arizona (Mỹ). Mùa hè vừa qua, công ty cũng thông báo xem xét mở nhà máy sản xuất chip đầu tiên ở Đức.
Theo Zing/Nikkei
Mỹ làm gì để giảm bớt cuộc khủng hoảng chất bán dẫn?
Ngày 3/11, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, quốc gia này sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với các nước đồng minh khác và khu vực tư nhân nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng, đặc biệt là chất bán dẫn.