Từng sở hữu một trung tâm tiếng Anh hái ra tiền, kiếm 1 tỷ đồng/tháng, cô giáo Lê Nguyệt (Hà Nội) quyết bỏ lại hết tất cả, tặng lại công ty, cơ sở vật chất có giá hàng trăm triệu đồng cho đồng nghiệp để chuyển vào miền Trung sinh sống. Trước quyết định đó, chị còn bán 2 căn chung cư ở Hà Nội trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Lựa chọn rời xa Hà Nội để đến một nơi có khí hậu trong lành, dễ chịu, gần gũi thiên nhiên, lựa chọn rời xa thủ đô xô bồ, nhiều cạm bẫy để đến một nơi đầy nắng gió, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", quả thật không phải là một quyết định gì dễ dàng! Sống ở Đà Nẵng 2 năm, chị Nguyệt cùng chồng một lần nữa quyết định chuyển nhà lên Đắk Lắk ở vì chị muốn muốn trải nghiệm cuộc sống ở Tây Nguyên.
Mỗi người đều có những lựa chọn cho riêng mình. Thực tế, phải can đảm lắm mới có được quyết định liều lĩnh như cô giáo Nguyệt. Nhận được câu hỏi cần bao nhiêu tiền để có thể sống như chị, "bỏ phố về quê", chị cho rằng vốn liếng của mình bắt đầu từ một quả trứng:
"1. Nhà mình nuôi gà để ăn trứng, nhưng vài lứa trứng đầu nhà mình không ăn mà để ấp; từ một gà mẹ ban đầu sẽ cho ít nhất 3 gà mẹ tương lai và lúc đó thì có thể ăn trứng thoải mái. Hơn nữa, có thể ăn trứng do 3 con gà mẹ đẻ (giờ là 4 con có thể đẻ), và trứng của một con có thể để ấp và tạo ra các gà mẹ tương lai tiếp.
2. Một mớ rau lang siêu ngọn mình mua ở chợ về, nhặt ăn còn cọng già đem ra trồng. Sau 1 tháng, cứ 3-4 ngày là mình lại hái được một đĩa ngọn rau xanh non, sạch, ngọt, nhiều enzyme. Nếu muốn ăn gấp đôi, mình chỉ cần để ngọn khoảng 1 tuần không hái, cắt đi giâm sẽ cho thêm 1 luống mới ngon lành, dễ dàng.
3. Hôm trước có người hỏi mình muốn về vườn ở ẩn thì cần bao nhiêu tiền? Mình nghĩ lại thì thấy số tiền mình dùng để lên Đắk Lắk có được là lấy từ MỘT QUẢ TRỨNG ĐẦU TIÊN.
Chân dung chị Nguyệt. |
Hồi 2011, mình mua 8m đất ở quê (đất ở quê họ không tính theo m2 mà tính theo chiều giáp mặt đường), giá trị lúc đó khoảng gần 300 triệu (không phải cùng một lúc gửi số tiền lớn như vậy, mà cần tới đâu gửi tới đó). Thời điểm đó chỉ là người nhà mình cần tiền nên gửi tiền về mua thôi, tính sau này về già có thể quay về đó ở.
Cho đến cuối năm 2018, vợ chồng mình nghĩ xác suất về đó ở gần như không có, nên quyết định bán đi để mua chung với đứa em một mảnh vườn đủ rộng ở vùng núi Đà Nẵng có thể trồng được nhiều cây ăn quả. Hai cặp đôi đã mua 9000m2 cùng nhau (toàn bộ tiền bán đất ở quê để mua 1 nửa mảnh trên).
Đến tháng 9, khi đi ăn hỏi ở Đắk Lắk lần đầu, mình thấy ở đây mát mẻ, nhiều cây ăn trái nên tháng 10 đi xem đất khắp Đắk Nông và tháng 11 quyết định mua đất Đắk Lắk, tháng 12 chuyển lên ở.
Tiền đâu để mua? Vợ chồng mình đã quyết định bán lại nửa của mình cho vợ chồng đứa em. Vì các em ấy chưa có tiền nên trả trước 1/3.
Nhà mình cầm số tiền đó mua một hecta rẫy, 1 mảnh vườn 834m2 ở thị xã, xây căn nhà nhỏ đơn sơ 45m2 hết khoảng 100 triệu. Tiền xây nhà là một người bạn cực dễ thương cho vay, không thèm lấy lãi (đã trả hết cuối tháng 3 vừa rồi).
Vậy tính ra giờ mình có nhà để ở, có rau để ăn, rẫy nhà mình có sẵn bơ, sầu, mít thái 3 năm tuổi, mít đã cho quả, bơ thì quả bói. Ngoài ra đất vẫn còn rất rộng để thích trồng trời trồng đất gì thì trồng. 2/3 số tiền đứa em nợ, đến khi nó trả mình có thể gửi ngân hàng để lấy lãi hàng tháng, dùng tiền lãi đó để chi tiêu. Nhưng mình không làm vậy.
Sở thích của vợ chồng mình là cứ có một khoản, dù nhỏ thôi, cũng góp để mua đất để trồng thêm cây. Bọn mình không cần lương hưu, bọn mình chỉ cần ra vườn là có đủ thức ăn, vậy là bền vững và an toàn rồi."
Lối sống thảnh thơi, tự do tự tại của hai vợ chồng chị thật đáng ngưỡng mộ. Được làm điều mình thích, được gần thiên nhiên, khó khăn nào, thử thách nào cũng xứng đáng được đánh đổi. Từ phố về quê, cách sống cũng được chị thay đổi, điều chỉnh rất nhiều, đặc biệt là cách chi tiêu tiền sao cho hợp lý. Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyệt về cách tiết kiệm tiền:
"- Không đi xem phim rạp. Đến giờ là 35 tuổi rồi, tổng số lần mình đi xem phim rạp là 6 lần.
- Không mua ô tô: Năm 2015 hai vợ chồng cũng định đặt cọc mua xe rồi, xong hàng khan về không đúng màu (vì sắp tết), nên họ trả lại tiền cọc. Sau đó hai vợ chồng "bình tâm" nghĩ lại thì mua xe là tiêu sản, tốn kém lắm: hàng tháng nất tiền gửi xe, tiền xăng rồi còn tốn thêm vì có xe lại sinh ra thích đi chỗ nọ chỗ kia, nếu về quê thì chắc lại suốt ngày được nhờ chở đi nơi này nơi khác, mệt chết. Vậy là định mệnh đã giúp mình hoãn vô thời hạn việc mua xe.
- Không dùng mĩ phẩm: Kì thực, mình không có hứng thú chứ không phải vì tiết kiệm. Tháng 8 năm ngoái mới rảnh rỗi nghiên cứu và hứng lên mua hết gần... 30 triệu tiền mĩ phẩm. Tới giờ mình hết hứng thú rồi, mấy nữa chắc thanh lý thôi. Nhưng nhờ đó mình mới phát hiện ra là thiên hạ giàu cực giàu, vì nếu dùng mĩ phẩm từ năm 18 tuổi, số tiền cộng lại có thể mua được mấy mảnh đất rồi!!!
- Không chạy theo trend: Cứ cái gì hot là mình tránh xa, cứ cái gì ngon ăn quá là mình không đụng vì "của ngon" thiên hạ người ta giành hết rồi. Quan điểm của mình là muốn có thành quả thì phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chăm chỉ "cày". Năm 2011, mình đi ăn bún đậu, nghe các chị bán bún bán chè ngồi nói chuyện bất động sản Hà Nội, lúc đó mình biết là đến mức này thì sắp tới bong bóng sẽ vỡ thôi, đúng là 2012 bong bóng vỡ cái đùng.
Tại sao mình không dạy học nữa? Có rất rất nhiều nguyên nhân nhưng cũng có một yếu tố đó là khi mình thấy hễ bạn nào... thất nghiệp là lại học để... đi dạy tiếng Anh, mình đã nghĩ là vậy có thể rời khỏi lĩnh vực này rồi.
- Không để bị dắt mũi bởi quảng cáo: Mình gửi vú sữa ra Hà Nội, nay gửi mai tới rồi, mà còn dập và hỏng do vận chuyển xóc, bí khí... Vậy những quả ta mua ở siêu thị, nó đi từ bên Úc, bên Mỹ, Hàn Quốc về, nó trải qua hàng ngàn cây số, lại đi qua nhiều chặng, về đến nơi còn đóng gói, rồi không biết nó nằm trên kệ bao lâu trước khi nằm trên đĩa nhà bạn?
Chỉ nghĩ thôi, cũng biết rằng nếu để tự nhiên, nó sẽ không thể nào TRÔNG tươi ngon như vậy được, nhất định phải có tác động. Rau quả thường giảm dần lượng vitamin và enzyme sau khi hái chỉ vài ngày. Tư duy một chút sẽ thấy việc tự trồng được cây, hái xuống ăn luôn nó lợi biết nhường nào! Mà tiền đâu mua đất mà trồng cây!? À thì tiền tiết kiệm được từ việc không mua theo các mẩu quảng cáo đó.
Chị Nguyệt rất hài lòng với lựa chọn hiện tại của mình. |
- Không đi taxi: Chỉ trừ trường hợp bắt buộc, còn lại nhà mình luôn đi xe máy, không thích tốn kém cho sự thoải mái ngắn hạn đó.
- Không sắm nội thất để gây ấn tượng với người khác: Nhà mình từ trước tới giờ mua đồ chỉ phục vụ nhu cầu và sở thích của chính mình, không để ý người khác nghĩ gì (từ khi sống ẩn, nhà mình không tiếp khách, trừ gia đình và những người rất thân, lại cùng hệ tư tưởng và sống không phán xét).
- Không mua đồ rẻ tiền: Mình mua gì cũng thường chọn cái đắt nhất trong khả năng của mình, rồi dùng nó cả chục năm, nên tính ra là rất tiết kiệm. Sau dịch Covid-19, nhà nhà người người sẽ chạy đua, kích sale, tìm đủ mọi cách để bạn nhấn vào "Mua ngay". Nhớ nhé, HÃY THẬT TỈNH TÁO! CHỈ MUA NHỮNG GÌ MÌNH THỰC SỰ CẦN LÂU DÀI. Mình định sống không có tủ lạnh, mà đợt cách ly vừa rồi hạn chế ra ngoài nên mới sắm một cái.
Hãy giữ chặt ví tiền của bạn, định mua gì thì cứ cho vào giỏ chờ, giá trị 1 triệu thì chờ 10 ngày, 3 triệu thì chờ 30 ngày, ví dụ vậy (tùy vào khả năng tài chính của bạn mà đưa ra giá chờ/ngày khác nhau). Sau thời gian chờ, vẫn muốn mua thì cứ mua thôi. Nhưng thường thì 90% là bạn thấy mình không cần nó tới vậy.
- Không so sánh với người khác: Bạn có biết ai thường lo lắng, tự ti về sắc đẹp của mình nhiều nhất không!? Mình cho rằng đó chính là các hoa hậu. Họ luôn phải gồng mình lên để đạt hàng ngàn tiêu chuẩn của xã hội, nhưng dù có đẹp đến mấy thì vẫn luôn có người đẹp hơn.
Với tiền bạc, váy vóc, nhà cửa, xe cộ cũng vậy thôi. Nếu bạn so sánh, bạn sẽ không bao giờ được thoả mãn cả. Mà không so sánh thì không mất tiền mua những thứ mình không cần chỉ để ganh đua với cái đứa mình không vừa mắt. Nếu không ưa ai đó, cứ mạnh dạn gạt họ ra khỏi tầm mắt và cuộc sống của mình, nhanh, gọn, chi phí 0₫."
(Theo Dân sinh)