Những mâu thuẫn đã diễn ra tại một số địa phương đặt ra yêu cầu, nhà nước cần có cơ chế giám sát hữu hiệu đối với chính quyền địa phương trong việc bảo đảm sinh kế của người dân bị thu hồi đất.

LTS: Một trong những vấn đề người dân gửi gắm ĐBQH nhiều nhất trong nhiệm kỳ qua có liên quan tới đất đai. Vì sao và giải pháp nào để có thể tìm ra tiếng nói chung giữa chính quyền địa phương và người dân trong câu chuyện này, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.

Xung quanh những“bực mình” liên quan tới thu hồi đất đai, dân phàn nàn, một số cấp chính quyền địa phương có xu hướng đứng về phía nhà đầu tư nhiều hơn đứng về phía quyền lợi của người dân. Là một nhà quan sát và nghiên cứu ông có bình luận gì từ những câu chuyện này?

Đỗ Thiên Anh Tuấn: Tôi nhớ câu nói của GS Elinor Ostromm- người phụ nữ đoạt giải Nobel đầu tiên và duy nhất cho đến nay: vấn đề đó là bi kịch của chung và vì thế mới sinh ra tình trạng kinh tế như hiện nay.

“Bi kịch của chung” ở đây có thể hiểu đó là tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Ví dụ, nếu khu vực (bờ biển, ruộng đất) đó thuộc sở hữu của dân thì khi nhà đầu tư muốn sử dụng phải mua lại để phục vụ cho dự án của mình. Nhưng ở ta đất đai được hiến định là sở hữu chung và do nhà nước quản lí. Nhà nước phân cấp cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lí đất đai tài nguyên tại địa phương mình.

Cần hiểu rằng, quản lí không đồng nghĩa với việc được quyền sở hữu. Và vì khái niệm quyền sở hữu không được thừa nhận nên chúng ta đã thay bằng một cái tên khác là quyền sử dụng. Nhưng người dân người ta không quan tâm đến những tên gọi đó, người ta chỉ quan tâm họ được làm gì với lô đất đó.

Ở các nước quyền sử dụng không bao gồm quyền thế chấp, cầm cố, giao dịch, chỉ có quyền sở hữu mới được thế chấp, cầm cố, giao dịch. Nhưng ở ta, dù chỉ được giao quyền sử dụng nhưng vẫn có thể dùng mảnh đất đó, bãi biển đó để thế chấp, cầm cố cho nên người dân hiểu rằng đó là quyền sở hữu đất. Nên khi chính quyền địa phương thu hồi đất hay biển để giao cho nhà đầu tư thì người dân không chấp nhận.

Ở các nước, nếu bờ biển thuộc quyền sở hữu của cư dân đã ở đó từ xưa đến nay, giờ nhà nước muốn thu hồi lại thì phải dùng ngân sách để mua. Bởi người dân sinh sống và hưởng lợi từ bãi biển đó là họ đã phải chi trả cho các dịch vụ thông qua việc đóng thuế. Nhưng ở ta chuyện sở hữu đất đai không giống thế.

{keywords}

Nhiều địa phương đưa lí do thu hồi đất là nhằm mục đích phát triển kinh tế. Theo ông lí do đó có đủ thuyết phục không?

Đỗ Thiên Anh Tuấn: Chính quyền chỉ được thu hồi đất cho mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế. Do vậy, nếu có tranh chấp trong việc thu hồi đất đai thì phải xác định xem có đúng là dự án để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế hay không, nhằm tránh tình trạng lạm dụng thẩm quyền, thu hồi đất một cách tùy tiện.

Hoạt động của nông dân, ngư dân bám đồng ruộng, bám bám biển cũng là vì mục đích phát triển kinh tế. Cho nên lấy lí do thu hồi đất đai vì mục đích phát triển kinh tế một cách tùy tiện, chung chung là không sòng phẳng. Đó là chưa kể người dân thường không có thông tin, bỗng một ngày họ nhận được thông tin đơn giản là địa phương sẽ thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư. Họ không đồng tình, họ phản đối là đương nhiên.

Nhằm tránh xung đột lợi ích, trong Luật Đất đai đã quy định rất rõ ràng, thu hồi đất phải công khai minh bạch, thương lượng với người dân theo cơ sở giá thị trường.

Nguyên tắc khi định giá lợi ích kinh tế để bồi thường cho người dân theo ông nên thế nào?

Đỗ Thiên Anh Tuấn: Trước nhất cần tính toán tiềm năng tạo thu nhập của người dân trong tương lai là bao nhiêu sau đó tính toán điều chỉnh theo lạm phát từ đó mới chiết khấu quy ra hiện tại được số tiền, thậm chí còn cộng thêm phụ cấp chuyển đổi nghề nghiệp, cơ hội đào tạo kĩ năng, những rủi ro trong giai đoạn đầu…Tất cả  đều phải được tính toán để đưa ra được con số bồi thường lợi ích.

Trung ương đã chỉ đạo rất rõ, “khi thu hồi đất đai, chúng ta phải chăm lo cho người dân tốt hơn ở vị trí cũ”. Nhưng dường như điều này vẫn chưa được các cấp triển khai thấu đáo?

Đỗ Thiên Anh Tuấn: Người thực thi trách nhiệm không ai khác chính là chính quyền địa phương. Không khó để nhận ra chính quyền thực sự đại diện cho lợi ích của người dân hay đại diện cho lợi ích nhóm.

Những gì đã diễn ra trong thực tế tại nhiều địa phương đặt ra yêu cầu, nhà nước cần có cơ chế giám sát hữu hiệu đối với chính quyền địa phương trong việc bảo đảm sinh kế của người dân bị thu hồi đất.

Sau những gì đã diễn ra ở ta không khó để thấy hiện nay một số cấp chính quyền vẫn còn ở xa dân lắm!

Ông có gợi ý gì về cách thức định giá để người dân giảm thiểu thiệt thòi?

Đỗ Thiên Anh Tuấn: Khi thu hồi đất thường tính theo giá đất nông nghiệp nhưng sau đó khi đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất ví dụ như xây trung tâm thương mại thì giá trị mảnh đất đó sẽ khác. Liên quan đến giá cả đất đai ngày nay luôn có tiêu chuẩn giá trị trường.

Hiện nay cơ sở giá của chúng ta vẫn rất mập mờ dẫn đến tình trạng cơ quan thu hồi đất cũng không rõ ràng. Ở các nước thường có một Hội đồng thẩm định đánh giá độc lập.

Theo tiêu chuẩn của Ủy ban thẩm định giá Quốc tế là, nếu chúng ta không có tiêu chuẩn thẩm định giá thị trường thì có thể thẩm định giá dựa trên nguyên tắc giá trị đang sử dụng. Hiện nay người ta đang sử dụng tài sản đó với mục đích gì, dùng nó để tạo ra bao nhiêu giá trị từ đó sẽ tính được giá trị gắn với mục đích sử dụng hiện tại.

Ngoài ra, tòa án độc lập sẽ là nơi quyết định.

Những quốc gia nào chưa có được cơ chế đó sẽ thường bị rối và khó tìm được tiếng nói chung giữa chính quyền (bên thu hồi) và người dân (bên bị thu hồi). Nếu thể chế kinh tế chưa hoàn thiện và lại còn bị chi phối bởi các lợi ích chính trị, động cơ trục lợi cá nhân thì rất nguy hiểm.

Duy Chiến – Lan Anh thực hiện

* "Hội chứng tuổi 59" và "Hoàng hôn nhiệm kỳ"
* "Đúng qui trình": Lá bùa hộ mệnh của nhóm lợi ích