- Một xô nước ngọt có thể dùng cho tắm giặt, rửa đồ, tưới cây, cho bò uống… Chưa bao giờ vùng sông nước lại khát như hiện nay.

Dọc các con đường ở tỉnh Bến Tre, hàng trăm chuyến xe máy cày ngược xuôi khắp thôn xóm, chở theo đầy ắp những thùng chứa ngước ngọt đi bán cho các hộ dân.

Chiếc xe chở nước ghé cửa nhà bà Nguyễn Thị Hạnh ở thị trấn Bình Đại (huyện Bình Đại).

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Hạnh bực tức vì kêu xe mua nước 4 ngày mà không được

Trong nhà bước ra, bà Hạnh lớn tiếng nói: “Định cho nhà tôi chết khát luôn hả, sao kêu 4 ngày rồi giờ mới đem nước tới. Mấy bữa nay toàn tắm bằng nước vo gạo không đó nhe”.

Gần 20 kiệu trữ nước mưa dùng để ăn uống nhà bà Hạnh đã xài hết từ 1 tháng trước. Lâu nay nhà bà chưa bao giờ hết nước mưa để uống nhưng năm nay đã không còn một giọt.

“Hạn, mặn gì mà dữ dằn quá! Nước mưa nhà tôi cạn hết, phải lấy can đi xin nước về uống. Nước dưới sông thì mặn đắng đâu có xài được. Nhà mình xa nên kêu xe nước đợi mấy ngày mới có. Giá có rẻ đâu, 120.000 đồng/m3 lận đó. Mùa màng thất bát mà mua nước như vầy hoài chịu sao nổi, giờ chỉ mong có nước lợ để tắm giặt thôi”, bà Hạnh thốt lên.

{keywords}
Anh Hậu khoan giếng tìm nước ngọt nhưng chỉ toàn nước mặn

Ở ấp Thừa Thạnh, ông Nguyễn Văn Hoàng cũng chịu cảnh mua nước ngọt giá cắt cổ. Mỗi xe nước bán khoảng 100.000 - 180.000 đồng/m3, tùy đoạn đường vận chuyển.

“Gia đình tôi có 5 người, cứ khoảng 10 ngày phải kêu xe chở nước đến đổi một lần, giá 120.000 đồng/m3”, ông Hoàng kể.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Hoàng (người cầm ống nước) cho biết, mỗi tháng tốn gần triệu đồng mua nước

Nhưng nước mua đó chỉ dùng đủ tắm rửa, giặt đồ còn nước uống chưa tính. Cộng tất cả, mỗi tháng nhà ông tốn gần triệu tiền nước.

“Số tiền này quá cao đối với người dân nghèo, nhưng không đổi thì không có nước để nấu ăn, giặt đồ”.

Người đàn ông này nói thêm, hiện nước ngọt được ưu tiên cho nấu ăn. Còn chuyện tắm rửa thì chỉ phụ nữ và trẻ nhỏ mới được tắm bằng nước sạch. Đàn ông thì ra ao tắm nước mặn, sau đó về xối lại vài ca nước ngọt để rửa mặn.

“Tôi tắm cũng phải ngồi trong thau như em bé để hứng lại nước để dành giặt đồ, rửa tay chân hoặc cho bò uống”, ông kể.

Tiền đâu mua nước?

Đang chuẩn bị nấu cơm chiều cho gia đình, bà Huỳnh Thị Phượng Em (ngụ huyện Ba Tri) chua chát nói, bữa cơm cả nhà 5 miệng ăn mà chỉ có 3 trứng vịt, ít rau má và chén nước tương.

{keywords}
Bà Phượng Em cho biết, không dám ăn để tiền dành mua nước uống

“Nhà có mấy con vịt mà không có nước cho uống, định bán mà nó ốm quá không ai mua. Còn làm thịt ăn thì tiếc. Giờ toàn hái rau về luộc chấm với chao, nước tương ăn với cơm không, còn tiền thì để dành mua nước uống và tắm cho thằng cháu ngoại mới 14 tháng.

Bữa trước nhà hết nước nên tôi lấy nước mặn dưới ao tắm cho nó, xong chưa đầy nửa tiếng là nó khóc thét lên vì ngứa, nhìn mà xót”, bà than thở.

Giữa trưa nắng như đổ lửa, bà Út Hết (ở ấp 4, xã An Hiệp, huyện Ba Tri), sang nhà ông Đặng Văn Ngữ, mượn điện thoại gọi xe nước.

“Không kéo nước sạch lẹ lẹ về chứ không là dân vùng này bỏ đi hoặc chết hết đó. Thiếu cái gì còn sống chứ thiếu nước ngọt thì chết là cái chắc”, bà nói ấm ức.

{keywords}
Chỉ có phụ nữ và trẻ em mới được tắm bằng nước ngọt hoàn toàn

{keywords}
Giặt đồ chỉ xả 2 nước thay vì 3 nước như trước

Ông Ngữ ngồi phía cửa cũng ấm ức tiếp lời: “Đi ruộng về toàn là đất cát, sình bùn, ngứa muốn điên đầu, mà về tắm toàn bằng nước mặn, chết còn sướng hơn”.

Hiện những giếng bơm ở các huyện Ba Tri, Bình Đại… đã bị nhiễm mặn. Rất hiếm nơi có giếng nước ngọt. Hì hục đào giếng trước cửa nhà để tìm nước ngọt, nhưng anh Nguyễn Minh Hậu vẫn bất lực vì nước quá mặn.

{keywords}
Xe máy cày chở nước đi bán

“Nhiều hôm đi làm về mệt tôi đành xuống sông dội đỡ vài ca nhưng ngứa quá, tối ngủ không được. Nghe báo đài nói hạn, mặn còn kéo dài và khủng khiếp hơn, không biết làm sao mà sống đây?”, anh Hậu thở dài.

Đói chịu được, khát không thể

Tại Sóc Trăng, người dân cũng khốn đốn vì thiếu nước ngọt. Bà Tư Bùa ở huyện Trần Đề than: “Mua nước riết tôi cũng muốn chìm theo nước luôn. Mấy bữa trước định khoan giếng để lấy nước ngọt nhưng có bao nhiêu tiền mặt đã mua nước ngọt hết rồi. Nếu khoan cái giếng cũng phải mất gần 4 triệu đồng thì không còn tiền”.

{keywords}
Lu, thùng chứa nước đã cạn kiệt

Giữa buổi trưa nắng gắt, xe bồn chở nước ngọt liên tục bơm đầy bồn chứa nước loại 3.000 lít của bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Đây là điểm cung cấp nước ngọt duy nhất cho một khối điều trị hàng trăm phòng của bệnh viện. Nhiều người thân của các bệnh nhân liên tục ra vào cổng để mua bình nước suối, loại 3 lít.

{keywords}
Người dân đào giếng trước cửa nhà

Một bệnh nhân cho biết phải mua 2 bình nước suối với giá 30 nghìn đồng để uống. Còn tắm giặt đều phải dùng nước nhiễm mặn.

Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đang ưu tiên dùng số nước ngọt khiêm tốn trên để chạy máy lọc thận, rửa trang thiết bị y tế…

Hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (hơn nửa triệu người) tại ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt.

Người dân cho hay, đói họ có thể chịu được nhưng khát thì không thể.

Hoài Thanh - Đinh Tuấn

Kỳ tới: Khắp nơi nước sông mặn đắng