Đã 26 năm trôi qua, Sài Gòn đã bao nhiêu thay đổi, nhưng gần nửa đời người dân Bình Quới vẫn sống tạm bợ trong khu quy hoạch treo. Được vẽ hoành tráng với vốn đầu tư lên đến 30.000 tỷ, nhưng không biết bao giờ khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới mới thành hình.
Bức tranh tương phản
Cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 20 phút đi xe máy, hình ảnh bán đảo Thanh Đa đã hiện ra trước mắt. Một khung cảnh làng quê đất đai bạt ngàn, cây cối mọc um tùm, những ao tù, nhà cửa thưa thớt, tạm bợ, ruộng lúa, ao sen… Giữa lòng TP.HCM, ít ai nghĩ lại có những khu dân cư tồi tàn, tương phản ở bên kia sông Sài Gòn, từng dãy nhà cao tầng hiện đại cứ nối tiếp nhau mọc lên.
Đi cũng không được, ở cũng không xong. Cuộc sống của người dân nơi đây nhọc nhằn và chật vật vì dính quy hoạch treo. Cái cơ cực, tạm bợ, đói nghèo đã đeo bám họ gần nửa đời người.
Chỉ cách trung tâm vài km nhưng Bình Quới vẫn như làng quê heo hút |
Bà Nguyễn Thị Thanh (phường 28, Q.Bình Thạnh) nói: “Chú đừng có bất ngờ. Chú lại đây vào khoảng tháng 9, tháng 10, nước nôi còn nhếch nhác hơn nữa. Nước ngập như trong đình. Chú xuống đây để mà viết báo…”.
Căn nhà của bà Thanh dựng lên tạm bợ với từng tấm tôn xiêu vẹo. Bà cho biết đã chịu cảnh sống chật vật này hàng chục năm nay. Vừa trao đổi với chúng tôi, bà vừa lấy tay đập muỗi dù vẫn đang là ban ngày. Ao tù nước đọng khiến khu vực này trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của ruồi muỗi.
Chờ đợi trong mỏi mòn
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM thông báo ý tưởng quy hoạch từ năm 1992. Năm 2004, thành phố ra quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư xây dựng “khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa”. Sau khi được giao dự án, tháng 12/2004, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn trình Sở Quy hoạch Kiến trúc nhiệm vụ quy hoạch chi tiết mới cho khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp này cũng không thể tiếp tục triển khai dự án.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2017, Emaar Properties PJSC bất ngờ xin rút lui khỏi dự án. Mới đây, TP.HCM lại công bố chọn lại nhà đầu tư từ đầu. Gần 30 năm quy hoạch treo, khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa lại bắt đầu từ vạch xuất phát.
Nhà cửa xây dựng tạm bợ trong khu quy hoạch treo Bình Quới |
Gia đình bà Nguyễn Thị Mai (phường 28, Q.Bình Thạnh) đã sống bốn đời ở đây, cho biết, cuộc sống của nhiều người dân sống xung quanh rất đỗi nhọc nhằn, cơ cực vì trồng lúa cũng thất thu, đất không được kinh doanh buôn bán vì dính quy hoạch.
“Muốn xây thêm nhà trọ để trang trải qua ngày nhưng xây lên đều bị đập bỏ. Khổ cực lắm chú ơi, thà là mấy ông xóa bỏ quy hoạch cho dân chúng tôi bán đất, chúng tôi muốn làm gì thì làm. Quy hoạch treo riết dân mệt lắm. Chúng tôi sống tại khu vực gần trung tâm mà hoàn cảnh còn thê thảm hơn là vùng quê”, bà Mai bức xúc.
Ông Nam, một người dân đường Bình Quới, phường 28, chia sẻ, dự án “treo” quá lâu, nên người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhà cũ xuống cấp mà nhà mới thì không được xây. Khu vực Bình Quới - Thanh Đa đất trũng, rất hay bị ngập nước khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao làm các công trình xây dựng rất mau xuống cấp. Nếu triển khai dự án thì chúng tôi cũng mong muốn được đền bù nhanh để còn ổn định cuộc sống.
Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, tại phường 28, quận Bình Thạnh, có quy mô trên 400ha, là một trong những khu đô thị quy mô lớn nhất ở gần trung tâm TP.HCM. Rất nhiều kỳ vọng về một sự thay đổi bộ mặt đô thị thành phố, trong hàng chục năm qua, ở dự án này, đã không thành hiện thực. Cùng với đó là cảnh sống cơ cực của người dân trong khu quy hoạch treo. Đến bao giờ thực trạng này mới đổi thay? Câu trả lời vẫn còn chờ ở phía trước.
Sơn Lâm
Môi giới tranh nhau “bán trộm” dự án tỷ USD
Ăn theo các điểm nóng trên thị trường, đặc biệt là các dự án tỷ USD, nhiều môi giới chạy đua quảng cáo thu tiền của khách, bất chấp điều này không được chủ đầu tư cho phép.
Sốt đất vùng ven, đại gia bí ẩn vung tiền tỷ thu lãi đậm
Chỉ sau một thời gian ngắn, những lô đất này được bán ra thị trường với mức giá chênh lệch khủng.
Mua nhà lãi suất 4,8%/năm: Dân Sài Gòn chia nhau 50 tỷ
Lãi suất vay mua nhà ở xã hội (NOXH) 4,8%/năm được nhiều người kỳ vọng sẽ là chìa khóa để hiện thực giấc mơ an cư. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách này vẫn là vấn đề nan giải.
Dự án BT ngàn tỷ, nguy cơ lợi ích nhóm “ăn 2 đầu”
Bên cạnh mặt tích cực, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng chỉ rõ nhiều nguy cơ phát sinh của phương thức xã hội hóa đầu tư theo các hình thức BT, BOT...
Thất bại kế hoạch 9.000 tỷ từ tái định cư Thủ Thiêm
Cuối năm 2017, TP.HCM đã bắt đầu kế hoạch bán đấu giá quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất đối với 3.790 căn hộ tái định cư ở Thủ Thiêm.