Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thay đổi diện mạo nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Sơn Tây (Hà Nội) xác định xây dựng nông thôn là quá trình lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, ngay sau khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020, cả hệ thống chính trị xã Kim Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, cùng nhau nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định. Xã xác định tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng làm cơ sở tiến tới nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Nhiều hạng mục giao thông quan trọng đã được triển khai như: Xây dựng hệ thống thoát nước trên các trục đường liên thôn, liên xã; thực hiện chỉnh trang, nâng cấp một số tuyến đường chạy qua địa phương, trong đó có đường tỉnh lộ 416.

W-Sontay.png
Sơn Tây nhìn từ trên cao

Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã, thôn, liên thôn đều được bê tông hóa, nhựa hóa. Hệ thống hạ tầng: điện-đường- trường-trạm của Kim Sơn đã được đầu tư, nâng cấp ngày càng đồng bộ. Đặc biệt, Kim Sơn đã đầu tư nâng cấp, cải tạo các thiết chế văn hóa ở địa phương; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm… Hiện tại, Kim Sơn có nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu như: Nuôi ong lấy mật, chăn nuôi bò sữa, gà, lợn, trồng thảo dược, cây ăn quả… Trong đó phải kể đến mô hình nuôi ong lấy mật của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn với sản phẩm đặc trưng là “Mật ong Kim Sơn - Sơn Tây”. Hiện hợp tác xã có gần 40 hộ nuôi khoảng 2.000 đàn ong, cho sản lượng hơn 35.000 lít mật/năm.  

Bên cạnh đó, nhờ chuyển đổi số nên nhiều xã Kim Sơn của Sơn Tây đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển du lịch cộng đồng… Đơn cử, tại xã Kim Sơn, hiện 98,5% số hộ gia đình có kết nối internet và dùng điện thoại thông minh; 7/7 thôn đã thiết lập các nhóm giao tiếp thông minh thông qua ứng dụng nhóm Zalo với 1.399 thành viên tham gia... Điều đáng kể, thông qua chuyển đổi số đã giúp Kim Sơn quảng bá, phát triển du lịch. Năm 2023, thôn Lòng Hồ của xã Kim Sơn đã được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch của thành phố, đánh dấu hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương. Phát triển du lịch vừa có nguồn thu từ lưu trú, vừa giúp địa phương giới thiệu, bán sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), như mật ong Kim Sơn, sữa bò tươi, ngọc trai...

Hay như ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) vốn là điểm đến trải nghiệm hấp dẫn, ngày càng hút khách khi cả cộng đồng nơi đây tham gia làm du lịch. Từ những thanh niên làm video về cuộc sống thường nhật ở Đường Lâm đến những người bán chè, làm tương, làm kẹo cũng sẵn sàng “lên sóng” chuyên nghiệp. Việc truy cập thông tin điểm đi, điểm đến trên nền tảng số dễ dàng, chỉ cần vài thao tác, như quét mã QR là có đủ thông tin, chỉ dẫn cần thiết, thuận tiện cho du khách tìm đến Đường Lâm.

Một vài ví dụ trên làm minh chứng sống động cho thấy, tiếp cận, làm chủ công nghệ số chính là yếu tố quan trọng để người dân Sơn Tây thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang tự tin tiếp cận các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào xây dựng, nâng cao giá trị nông thôn; góp phần để làng quê ngày càng văn minh, hiện đại, giàu có…