Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cho thấy, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn trung bình khoảng trên 212.900 tấn; trong đó lượng chất thải rắn khu vực đô thị trên 78.000 tấn; chất thải rắn khu vực nông thôn gần 135.000 tấn. Theo đó, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 92,5%; tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được thu gom đạt 84%.

anh bai 7.jpg
Chất thải khó phân hủy chiếm đến 70%, chủ yếu vẫn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ở Sơn La chủ yếu từ các hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở, khu vực công cộng, dịch vụ, các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất. 

Ngoài các thành phần chủ yếu là hữu cơ (chất thải thực phẩm, giấy, vải, bìa các tông, rác vườn...) và vô cơ (nhựa, cao su, kim loại...), chất thải rắn sinh hoạt còn có thể lẫn các chất thải khác như chất thải điện tử, chất thải có thể tích lớn, pin, dầu thải...

Trong đó, chất thải khó phân hủy chiếm đến 70%, chủ yếu vẫn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Còn 9% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom và bị thải bỏ vào môi trường. 

Quá trình đô thị hóa cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, áp lực lên môi trường sống.

Thời gian qua, mặc dù tỉnh Sơn La đã nỗ lực triển khai việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện vẫn còn nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, hiện nay chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ tái chế còn thấp; tại các khu vực nông thôn, chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng hố rác di động, tái sử dụng làm phân bón hoặc lò đốt rác thải mi ni quy mô hộ gia đình. Đây là phương pháp xử lý tạm thời, chưa có tính bền vững lâu dài, không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường. 

Vì vậy, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh là nhu cầu cấp bách đảm bảo môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân.

Để quản lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng việc chủ động phân loại rác tại nguồn, biến rác thành tài nguyên tái tạo, giảm thiểu áp lực cho môi trường và kinh phí cho ngân sách. 

Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom đạt 92,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom theo quy định đạt 88%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom đạt 50%.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND, quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Quy định này nhằm thực hiện những quy định trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. 

Theo đó, đối tượng áp dụng quy định là hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân. Các cơ sở tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Quyết định quy định rõ việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh như trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn sinh hoạt; công tác quản lý theo hướng giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của chất thải rắn sinh hoạt; các hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải có trách nhiệm và nghĩa vụ phân loại tại nguồn phù hợp... 

Bên cạnh đó, Quyết định cũng quy định cụ thể về cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt, cách lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cách xử lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải.

Diệu Thúy và nhóm PV, BTV