Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn của tỉnh Sơn La không ngừng “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất tinh thần của người dân khu vực nông thôn của Tỉnh ngày càng được nâng lên. Những thay đổi đó bắt nguồn từ sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Sơn La trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn Tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn Tỉnh có 83 xã và 01 huyện đạt chuẩn NTM. Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện khá đồng bộ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tạo đồng thuận và hưởng ứng tham gia góp sức của Nhân dân, qua đó đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo số liệu báo cáo, tính đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh Sơn La có 65 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 57 bản, tiểu khu được công nhận đạt chuẩn bản NTM. Các địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch xây dựng NTM; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các sản phẩm OCOP; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế văn hóa; thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số, cải cách hành chính…
Cùng với thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, thời gian qua nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần nâng các tiêu chí trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, từ 2014 đến nay trên địa bàn tỉnh Sơn La, các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, dư nợ tăng, tỷ lệ nợ xấu giảm, huy động được nhiều nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với chính quyền cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát hộ vay đã đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.










