Ngày 27/11, Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Sơn La tổ chức Hội thảo: “Ứng dụng thương mại điện tử trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La”.
Hội thảo nhận được sự hưởng ứng từ Liên hiệp các Hội KH&KT các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc cùng đại diện các sở, ban, ngành và các hợp tác xã nông nghiệp, hộ dân trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Sơn La, đến hết năm 2022 toàn tỉnh có khoảng trên 3.250 doanh nghiệp và 806 hợp tác xã (HTX).
Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào các hoạt động kinh doanh vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau.
Đến nay, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt, việc thanh toán bằng hình thức quét mã QR Code trở nên khá phổ biến; các cơ sở kinh doanh tại trung tâm các huyện, thành phố bước đầu đã áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thực hiện nhận đơn hàng thông qua các công cụ trực tuyến như: Trang thương mại điện tử, ứng dụng trên điện thoại di động hay qua các mạng xã hội.
Một bộ phận doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình đã tận dụng được các công cụ như mạng xã hội, sàn thương giao dịch mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, và tiêu thụ hàng hóa nông sản của mình.
Tuy nhiên việc triển khai kinh doanh thương mại điện tử vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự hướng dẫn, định hướng cũng như đầu tư một cách bài bản, nghiêm túc.
Chính vì thế, hội thảo là dịp chia sẻ những kết quả nghiên cứu, đánh giá chính sách về thương mại điện tử và nghe những tham luận cho ý kiến đóng góp từ các địa phương, những người dân trực tiếp trồng cây ăn quả về các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của nông dân vào thương mại điện tử.
Cụ thể, các đại biểu đã được nghe phổ biến và chia sẻ về tuyên truyền triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về ứng dụng thương mại điện tử trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; báo cáo những vấn đề đặt ra trong việc ứng dụng thương mại điện tử để kết nối tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La;
Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của tỉnh; nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả của tỉnh Sơn La khi tham gia vào các sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, đại diện Liên hiệp các Hội KH&KT Hoà Bình cũng đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh;
Đại diện HTX Ngọc Hoàng (Mai Sơn, Sơn La) cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm Thanh long ruột đỏ của hợp tác xã.
Được biết, trong giai đoạn 2020 - 2022 các Sở, ngành, địa phương của tỉnh, đặc biệt là Sở Công Thương Sơn La đã thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công thương) tập trung đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng trong giao dịch thương mại điện tử cho các HTX, người dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 24 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó: 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý: Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả Xoài tròn Yên Châu; Cà phê Sơn La.
16 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận: Chè Ôlong Mộc Châu, Sơn La; Rau an toàn Mộc Châu, Sơn La; Nhãn Sông Mã, Sơn La; Cam Phù Yên, Sơn La; Táo Sơn Tra Bắc Yên, Sơn La; Bơ Mộc Châu, Sơn La; Na Mai Sơn, Sơn La; Chè Phổng Lái Thuận Châu, Sơn La; Nếp Mường Và Sốp Cộp, Sơn La, Cá Sông Đà Sơn La, Cá Tầm Sơn La, Rau an toàn Sơn La, Chanh leo Sơn La, Mận Sơn La.
3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể: Chè Tà Xùa Bắc Yên, Sơn La; Mật ong Sơn La; Khoai sọ Thuận Châu, Sơn La.
2 sản phẩm đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài: Chè Shan Tuyết và Xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại Châu Âu theo hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020; sản phẩm Chè Shan Tuyết được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017.