Với tỉnh Sơn La, một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, việc thúc đẩy kinh tế số, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần thay đổi diện mạo kinh tế địa phương.

Việc ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ trái cây giúp mở thêm đầu ra cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi địa phương.

Mới đây, Sơn La đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; TikTok Shop Việt Nam đã tập huấn đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại và livestream bán hàng trực tuyến cho người dân huyện Mai Sơn.

Chương trình giúp hộ gia đình, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận các kiến thức, kỹ năng cần thiết ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả trong xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Tại hội nghị tập huấn, các chuyên gia giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử, xu hướng thương mại điện tử trong tương lai; các kiến thức, kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng thương hiệu và tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, các mạng xã hội, môi trường số; các kỹ năng kinh doanh hiệu quả trên nền tảng số; các giải pháp thanh toán số khi tham gia các sàn thương mại điện tử; nguy cơ và phòng tránh lừa đảo khi tham gia các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khởi tạo, quản lý gian hàng; xây dựng các video nội dung ngắn và livestream quảng bá, cách thức bán hàng qua video, qua livestream và qua tiếp thị liên kết trên TikTok Shop.

Cùng thời điểm này, một doanh nghiệp phối hợp với Sendo Farm tổ chức livestream kết nối tiêu thụ bắp cải cho các hộ trong chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu rau, củ, quả an toàn của Hợp tác xã Nông sản Sơn La, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Còn tại huyện miền núi Sông Mã đã  phối hợp với Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn Sơn La tổ chức hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn và livestream giới thiệu các sản phẩm OCOP của Sơn La do các KOL, KOC (người có sức ảnh hưởng, những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) trực tiếp thực hiện và hướng dẫn. Tổ chức diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với chủ đề “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương” cho 400 đại biểu.

Bên cạnh hướng dẫn kỹ năng bán hàng, một trong những sáng kiến tiêu biểu là huyện đã liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee và Tiki để nông dân có thể đưa sản phẩm lên nền tảng, tiếp cận với hàng triệu người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tự xây dựng fanpage của mình để tăng khả năng đưa nông sản tiếp cận đến người tiêu dùng.