Là một huyện có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nhiều loại cây ăn trái, huyện Yên Châu (Sơn La) có 11.300 ha diện tích trồng cây ăn quả với sản lượng đạt 90.500 tấn/năm.
Trong đó, diện tích trồng nhãn chiếm 2.893 ha với sản lượng 21.500 tấn; Diện tích trồng xoài 3.212 ha, sản lượng năm đạt 19.500 tấn; Diện tích trồng mận hậu 3.286 ha với sản lượng 34.000 tấn…
Toàn huyện đã có 62 HTX xây dựng vùng quả an toàn, phát triển chuỗi liên kết. Các HTX tập trung chủ yếu vào sản xuất cây ăn quả chủ yếu là cây nhãn, xoài, mận.
Đến nay đã có 32/62 HTX sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích là 773,6 ha, sản lượng quả đạt trên 7.500 tấn. Huyện cũng quản lý 67 mã số vùng trồng cho cây ăn quả, với diện tích 1.140,8 ha, sản lượng trên 9.750 tấn.
Song song với việc mở rộng diện tích, nghiên cứu đưa thêm giống cây mới vào trồng trọt, huyện cũng chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản của bà con.
Theo đó, thời gian gần đây huyện đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và tận dụng sự phát triển của thương mại điện tử. Cụ thể, huyện Yên Châu đã phối hợp với các Sở, ban, ngành đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng trong thương mại điện tử cho các HTX, người dân.
Theo đó, vừa qua đã có trên 40 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh được tập huấn về các văn bản quy phạm pháp luật và các kiến thức cần thiết khi tham gia kinh doanh thương mại điện tử ở các xã như Lóng Phiêng, Phiêng Khoài, Chiềng Tương, Chiềng On, Yên Sơn...
Tại lớp tập huấn các chuyên gia đã trực tiếp hướng dẫn cho doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất, kinh doanh thực hành tại vườn về các kỹ năng xây dựng quy trình, chức năng và liên kết tài khoản Tiktokshop, Zalo, các kỹ năng livestream, chỉnh sửa, hậu kỳ video, lồng tiếng, phụ đề, để thu hút người xem, quảng bá, bán hàng trên kênh Tiktok, mạng xã hội Facebook cũng như hướng dẫn đăng ký, mở gian hàng, lập tài khoản, hướng dẫn quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội...
Thông qua buổi tập huấn đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh từng bước tiếp cận và hiểu được vai trò, lợi ích của thương mại điện tử mang lại, từ đó có kỹ năng triển khai ứng dụng thương mại điện tử phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Đây là cách làm đúng hướng theo nhận định của Cục Xúc tiến Thương Mại (Bộ Công Thương) khi cho rằng đối với Sơn La, hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream là phù hợp và hiệu quả hơn thương mại điện tử.
Bởi bán hàng trên kênh thương mại điện tử sẽ liên quan đến các vấn đề bao gói, bảo quản, làm thương hiệu sau thu hoạch... Trong khi đó, tại Sơn La chủ yếu các trang trại, HTX còn yếu khâu này. Hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream sẽ phù hợp với điều kiện của người nông dân.
Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, năm 2021, UBND tỉnh Sơn La cũng đã ký kết thoả thuận với sàn thương mại điện tử Shopee, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn thương mại điện tử Postmart) hợp tác nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn thương mại điện tử.
Theo đó, mận hậu và xoài tròn Yên Châu (Sơn La) cũng chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee và được phân phối tại thị trường Hà Nội và TP. HCM. Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.
Với những cách làm đổi mới, sáng tạo mà UBND tỉnh Sơn La triển khai tới từng huyện như vừa qua, nông sản địa phương này ngày càng có mặt ở nhiều thị trường không chỉ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.