Toàn tỉnh hiện Sơn La hiện có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 2.714ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương, sản lượng 43.570 tấn/năm; có 8.200ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ; duy trì 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; cấp 294 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.150 ha; 28 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh...
Tuy nhiên hiện nay, nhiều nước nhập khẩu đã tăng cường tần suất giám sát mã vùng trồng, cơ sở đóng gói theo định kỳ thì mới đủ điều kiện nhập khẩu nhằm mục đích theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Để các mặt hàng nông sản của tỉnh vươn xa, thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tập huấn nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện xây dựng vùng trồng đảm bảo cho việc cấp mã. Trước mắt, tập trung xây dựng mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa. Khi đảm bảo hình thành được các chuỗi liên kết, tìm được thị trường thì mở rộng ra xuất khẩu.
Thực hiện chuyển đổi số trong quản lý mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác, Công ty TNHH Sorimachi tổ chức các lớp tập huấn online qua ứng dụng zoom cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh sử dụng các phầm mềm chuyển đổi số; Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng trên toàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn về thiết lập quản lý, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt cho thành viên của các tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Đồng thời, triển khai hỗ trợ truy xuất nguồn gốc (tem nhãn) đối với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh duy trì 216 mã số vùng trồng, trong đó có 205 mã phục vụ xuất khẩu, tổng diện tích gần 3.000ha và 11 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích trên 150ha.
Mã số vùng trồng là mã định danh cho một vùng trồng trọt, giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng xác định quy trình sản xuất của nông sản. Truy xuất nguồn gốc nông sản là các hoạt động liên quan đến theo dõi, nhận diện, truy vết thông tin một đơn vị sản phẩm trong từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối.
Để bảo vệ và duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ngoài việc giám sát của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và nông dân phải xem đây như một loại tài sản và có ý thức tự bảo vệ, nếu phát hiện ra các hành vi sai phạm phải có động thái thông báo cho các cơ quan chức năng biết để bảo vệ mã số của mình.
Chỉ khi làm thật tốt công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản sẽ giúp nông sản của tỉnh có thị trường xuất khẩu ổn định, nâng cao giá trị, đem lại hiệu quả cho người sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu.