Mường La là huyện có diện tích vùng trồng cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La. Những năm qua, để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm đặc sản, chủ lực có giá trị kinh tế cao, gắn với thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và tăng thu nhập cho người nông dân.

Huyện đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tiến hành rà soát, thẩm định, kiểm tra đánh giá thực tế, định hướng cho các hộ nông dân, HTX nông nghiệp chủ động tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời hỗ trợ các HTX, người dân xây dựng hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu; chuyển đổi số; xây dựng website giới thiệu sản phẩm; đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; in ấn bao bì, tem nhãn sản phẩm khi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước

Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt OCOP hạng 4 sao, 7 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng bền vững. Trong năm 2024, huyện đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng 4 sản phẩm, gồm: Thịt lợn một nắng, chuối lắc phô mai, trà táo mèo, rượu cần men lá. Năm 2024, huyện Mường La có 62 hợp tác xã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, duy trì phát triển 10 sản phẩm đạt OCOP

Huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo tính bền vững sản phẩm OCOP; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn cho nhân dân về xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP; hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

W-OCOP Sơn La.jpg
Sản phẩm OCOP của huyện Mường La được trưng bày tại Hội chợ quảng bá nông sản vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Đối với tỉnh Sơn La, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo quyết liệt chỉ đạo, triển khai chương trình.

Theo thống kê, toàn tỉnh Sơn La có khoảng hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP.

Để khai thác lợi thế này, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP, qua đó đã hình thành nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao, được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận, đồng thời góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Tính đến cuối tháng 11/2024, toàn tỉnh có 154 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm sau khi được công nhận đã được nâng cao về chất lượng, từng bước thay đổi mẫu mã đáp ứng với thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó doanh số bán hàng tăng lên, điển hình có những sản phẩm tăng 2-3 lần so với trước khi tham gia chương trình. 

Điều đáng nói là các cơ sở OCOP đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trực tiếp và lao động dán tiếp. Qua đó góp phần quan trọng trong thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hiện nay, toàn tỉnh xây dựng 11 điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, TP Sơn La, Mai Sơn, và đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT nhằm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.

Các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định uy tín ở thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đồng thời, hình thành phát triển các vùng sản xuất nông sản xanh - sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Sơn La.