Sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã có 13/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 43,3% tổng số xã; 17 xã đạt 11 - 15 tiêu chí nông thôn mới, đạt 56,67%. Số tiêu chí bình quân đạt 15,3% tiêu chí/xã. Có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến hết năm 2023 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Huyện đặt mục tiêu bê tông hóa 152,89 km đường giao thông nông thôn; 99,53 km đường nội đồng và 30 cầu nông thôn. Nhân dân trong toàn huyện đã tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công, máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng. Đến nay các tuyến đường liên thôn, liên xã cơ bản đã được bê tông hóa, láng nhựa…
Đạt được thành quả này là sự nỗ lực, cố gắng cùng nhiều cách làm sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Sơn Dương. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao.
Sơn Nam là một trong những xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Sơn Dương. Với việc sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân, đặc biệt phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Sơn Nam đã đạt được kết quả tích cực. Đến nay, xã đã hoàn thành tất cả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Xã Sơn Nam có trên 2.500 hộ dân với hơn 10.300 nhân khẩu. Đảng bộ xã có 29 chi bộ trực thuộc với 370 đảng viên. Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy xã luôn xác định nhiệm vụ quan trọng là phát huy vai trò đi đầu, nòng cốt của đảng viên, phát huy tinh thần “Đảng viên nêu gương trong việc khó”. Từ đó khơi dậy sức mạnh của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng, đồng thuận để xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất.
Xã đẩy mạnh huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhờ đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Sơn Nam về đích đúng kế hoạch.
Hạ tầng nông thôn tại xã ngày càng được đầu tư đồng bộ. Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa đạt trên 70%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt trên 70%; trên 99% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn; 100% số người trong độ tuổi lao động có việc làm.
Huyện Sơn Dương phấn đấu đến năm 2025, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Sơn Dương đặt mục tiêu duy trì và nâng cao tiêu chí các xã đạt chuẩn, đồng thời phấn đấu có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Để xây dựng Sơn Dương thành huyện nông thôn mới, từ nay đến năm 2025, khối lượng công việc của huyện vẫn còn nhiều.
Cụ thể, Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều nội dung, tiêu chí khó hơn, trong khi xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới của huyện còn thấp. Sơn Dương có 7/30 xã đặc biệt khó khăn, đời sống của đa số nhân dân còn thấp; nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu đồng bộ, các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới. Nguồn lực để thực hiện chương trình còn hạn chế. Kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được chưa đồng đều giữa các xã trong huyện...
Nhằm giải quyết các khó khăn này, huyện chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó yêu cầu các phòng, ban liên quan, UBND các xã trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể để củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Đồng thời tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sự chung tay, góp sức của người dân thực hiện các tiêu chí. Đối với các tiêu chí mềm có sự tham gia vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân và sẽ triển khai thực hiện ngay. Đối với các tiêu chí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ xác định địa điểm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai ngay khi được phân bổ vốn.
Địa phương đẩy mạnh phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Lựa chọn các công việc cụ thể, lâu dài theo nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân thực hiện. Huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện chương trình...