Huyện Sơn Động có 23/23 xã, thị trấn thuộc dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, trong đó 4 xã, thị trấn khu vực II, 19 xã khu vực III, 145 thôn, bản ĐBKK; hơn 7,4 vạn nhân khẩu, 14 thành phần dân tộc cùng chung sống, đồng bào DTTS chiếm hơn 50% dân số toàn huyện.

Từ những chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp phát triển KT-XH ở khu vực có nhiều DTTS sinh sống. 

Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 toàn huyện Sơn Động phấn đấu ít nhất 04 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 17 tiêu chí/xã, không có xã dưới 15 tiêu chí.

{keywords}
Huyện Sơn Động có 23/23 xã, thị trấn thuộc dân tộc thiểu số và miền núi.

Cụ thể, 04 xã đăng ký phấn đấu về đích NTM giai đoạn 2021-2025 là xã Long Sơn (năm 2022), xã Yên Định (năm 2023), xã Vĩnh An (năm 2024), riêng xã Tuấn Đạo đạt chuẩn NTM năm 2015, do sáp nhập với xã Bồng Am chưa đạt chuẩn nên quyết tâm đạt chuẩn trong năm 2022.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 , huyện Sơn Động cũng phấn đấu đưa các xã đã đạt từ 13 tiêu chí trở lên về đích NTM; mỗi xã hoàn thành thêm ít nhất 01 tiêu chí/năm. Đến năm 2025, bình quân mỗi xã đạt 17 tiêu chí/xã, không có xã dưới 15 tiêu chí; mỗi xã đạt chuẩn NTM có tối thiểu 01 thôn NTM kiểu mẫu.

Nhìn lại hơn 7 năm qua, chương trình 135 đã hỗ trợ các thôn, xã đặc biệt khó khăn số vốn hơn 129 tỷ đồng đã được bố trí để xây mới, duy tu, bảo dưỡng hơn 124 công trình. Trong đó 75 công trình giao thông, thủy lợi, 47 công trình nhà văn hóa; duy tu và bảo dưỡng nhiều công trình sau đầu tư. 

Nhiều công trình nước sạch ở các xã Bồng Am, Vân Sơn, Tuấn Mậu, Yên Định được đầu tư theo Quyết định 755/QĐ-TTg, 2085/QĐ-TTg của Chính phủ đã hoàn thành, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân.

Đến nay, cơ bản các tuyến đường ở 36 thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn như An Lạc, Vĩnh Khương, Dương Hưu, Cẩm Đàn, Tuấn Mậu, Giáo Liêm, Hữu Sản... đã cứng hóa, kết nối với đường liên xã, tỉnh lộ, quốc lộ, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thúc đẩy phát triển KT-XH. 

Các trường, lớp học được xây dựng mới khang trang, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp đạt 88,9%, giúp con em đồng bào DTTS có thêm điều kiện học tập tốt. Nhiều điểm du lịch như: Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ (xã An Lạc), Khu du lịch sinh thái Đồng Cao (xã Thạch Sơn)…. được đầu tư hạ tầng kết nối với tuyến du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử (xã Tuấn Mậu). 

Hệ thống điện lưới quốc gia đã tới 100% các thôn, bản, bảo đảm nhu cầu điện sinh hoạt và phát triển kinh tế. Các công trình thủy lợi đáp ứng tưới, tiêu cho 90% đất canh tác. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hoá đường giao thông nông thôn toàn huyện đạt trên 90%, trong đó vùng đồng bào DTTS chiếm 65%. Cơ sở hạ tầng trụ sở làm việc UBND các xã, thị trấn, nhà văn hoá, trạm y tế được đầu tư khang trang, sạch đẹp. 

Cùng với cơ sở hạ tầng được quan tâm, đồng bào DTTS, miền núi còn thụ hưởng nhiều chính sách phát triển kinh tế gia đình, đa dạng hóa sinh kế, chăm lo đời sống văn hóa, khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo. 

Thời gian qua, ngành chức năng và các xã đã thực hiện gần 150 dự án hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hơn 15 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ hộ nghèo vùng khó khăn tiền mặt và vật tư, giống cây trồng, vật nuôi. 

Với phương châm giúp bà con sinh kế nhờ chính sách phù hợp, đồng bào DTTS đã có thêm điều kiện phát triển nông – lâm nghiệp, mở dịch vụ, ứng dụng KHKT vào sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững. Người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm và chủ động tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo. 

Khắp các địa phương đã xuất hiện những gương nông dân là người DTTS biết khai thác tiềm năng đất đai, sức lao động, nhanh nhạy với thị trường vươn lên làm giàu. 

{keywords}
Một góc huyện miền núi Sơn Động

Đến nay, Sơn Động đã xây dựng thương hiệu nông nghiệp hàng hoá gắn với địa danh như: Mật ong rừng, Nấm linh chi, Rượu men lá, Ba kích…Ở các xã vùng ĐBKK hoặc có nhiều đồng bào DTTS, phong trào phát triển kinh tế vườn rừng, chăn nuôi cho thu nhập cao lan tỏa mạnh. Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực này giảm từ 4 đến 5%.

Đời sống của người dân từng bước được cải thiện, sự nghiệp giáo dục và đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống ở vùng đồng bào DTTS được coi trọng bảo tồn và phát huy. 

Nhiều phong tục như: nghề thêu truyền thống, dạy chữ hán nôm, lễ cấp sắc cho người trưởng thành của dân tộc Dao xã Tuấn Mậu, hát then, đàn tính xã An Lạc, hát Soong hao, dân tộc Nùng xã Chiên Sơn, hát Sình ca, dân tộc Cao Lan xã An Bá ...được bảo tồn, giữ gìn và phát huy. Nhiều câu lạc bộ hát dân ca DTTS thành lập, hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều thành viên các lứa tuổi tham gia. 

Vân Anh
Ảnh: Đàm An