Để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử trong năm 2019, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025 (Ảnh minh họa: Internet) |
Sớm ban hành Nghị quyết mới về phát triển Chính phủ điện tử
Trong báo cáo về tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử năm 2018, để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử trong năm 2019, Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025; phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet).
Trong năm 2018, theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ đã có những chỉ đạo mạnh mẽ để triển khai, thúc đẩy Chính phủ điện tử. Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt quan điểm chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết với cải cách thủ tục hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, việc xây dựng Chính phủ điện tử phải “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn” nhằm hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Riêng về Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020 định hướng đến năm 2025, trong năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp cùng Bộ TT&TT và các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá việc triển khai Chính phủ điện tử và xây dựng dự thảo Nghị định này. Hiện tại, dự thảo Nghị định đang được trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cũng cho hay, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020 định hướng đến năm 2025, cơ quan này đã tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế; tổ chức hội thảo và hơn 100 cuộc họp, làm việc với các chuyên gia trong nước và quốc tế. Trong đó, có hơn 20 cuộc họp với các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước (Úc, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, World Bank, AFD…), hơn 50 cuộc họp với các chuyên gia trong nước và quốc tế để đánh giá việc triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình để thúc đẩy việc thực hiện.
37 bộ, ngành, địa phương đã lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ/chính quyền điện tử
Cũng nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2019, trong báo cáo ngày 25/12 vừa qua, Văn phòng Chính phủ còn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử tại cơ quan mình do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm Trưởng ban nhằm phát huy vai trò của người đứng đầu, việc thành lập hoàn thành trong tháng 1/2019.
Trước đó, ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT, với sự tham gia của 10 thành viên Chính phủ và Chủ tịch các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn về CNTT. Ủy ban do Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo việc thiết lập các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/ Chính quyền điện tử của bộ, ngành, địa phương. Đến nay, theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đã có 37 bộ, ngành, địa phương thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/ Chính quyền điện tử do người dứngđầu bộ, ngành, địa phương làm Trưởng ban.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần khẩn trương xây dựng Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh bám sát các yêu cầu tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn; Hoàn thành việc kết nối, chính thức gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn; Tìm kiếm, huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế; tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân cùng tham gia trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.
Văn phòng Chính phủ cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu và Nghị định về xác thực và định danh điện tử; hoàn thiện Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và kiến trúc Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt;
Bộ Công an được kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sớm trình Chính phủ Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia.