Ngày 30/3, Cuộc thi dịch thuật tiếng Việt chuyên nghiệp toàn Liên bang Nga lần thứ ba diễn ra tại Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO).
Cuộc thi được tổ chức theo hình thức hỗn hợp, với hình thức trực tiếp cho các sinh viên tại Moskva và trực tuyến cho sinh viên các thành phố khác như Vladivostok - thành phố có múi giờ sớm hơn Moskva tới 5 giờ và St. Petersburg - một trung tâm dạy tiếng Việt lớn khác của Liên bang Nga.
Nội dung thi dành cho 21 sinh viên đại diện cho ba khối là năm cuối, năm hai và cao học gần tương đồng, bao gồm dịch nói Nga - Việt, Việt - Nga những câu ngắn thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội. Các sinh viên năm cuối so tài với học viên cao học trong dịch nói những đoạn văn khoảng 200 từ.
Trong 40 giây chuẩn bị, các nhà Việt Nam học tương lai sẽ cần phải chuyển dịch từ tiếng Nga mẹ đẻ sang tiếng Việt và ngược lại thông tin về chuyến thăm chính thức cấp nhà nước, về thực trạng nền kinh tế Nga hay vai trò của ASEAN. Có 2 giải nhất, 3 giải nhì và 3 giải 3 được trao cho những thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi.
Ban giám khảo cuộc thi gồm những phiên dịch chuyên nghiệp và có thâm niên của Nga và Việt Nam, cựu Đại sứ Nga tại Việt Nam - Andrey Alexeyevich Tatarinov, các nhà ngoại giao Nga hiện công tác tại Việt Nam, tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga - Đoàn Khắc Hoàng, Giám đốc Quỹ Thúc đẩy phát triển hợp tác Nga - Việt, truyền thống và hữu nghị - Nguyễn Quốc Hùng.
Vì vậy, ngoài những đánh giá chuyên môn cho các thí sinh thì chính các thành viên ban giám khảo còn là hình mẫu về nghề nghiệp tương lai cũng như tấm gương về con đường sự nghiệp trong chuyên ngành Việt Nam học.
Ông Andrey Alexeyevich Tatarinov, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, Trưởng ban giám khảo cuộc thi khẳng định, việc cô Svetlana Klazunova, giáo viên cao cấp của Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow khởi xướng cuộc thi này là một sự dũng cảm, bởi tiếng Việt là một ngôn ngữ rất khó, so với các ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Tây Ban Nha nên số lượng sinh viên Nga học tiếng Việt còn khá khiêm tốn.
Sự tham gia tích cực của các sinh viên đã góp phần khẳng định ý nghĩa của cuộc thi, góp phần phổ biến và chuẩn hóa ngôn ngữ Việt Nam, lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt ở Liên bang Nga. Đồng thời nâng cao hơn nữa tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Liên bang Nga và Việt Nam.
Qua ba kỳ tổ chức với con số sinh viên tham gia ngày càng tăng, cuộc thi dịch thuật tiếng Việt chuyên nghiệp đã khẳng định sức hấp dẫn và chất lượng trong việc dạy và học tiếng Việt tại Liên bang Nga.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia kinh tế Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giám đốc Quỹ Thúc đẩy phát triển hợp tác Nga - Việt, truyền thống và hữu nghị, thành viên Ban giám khảo nhận xét: "Tôi thấy có sự tiến bộ rõ rệt ở các thí sinh dự thi năm nay. Ngoài sự hiểu biết về ngôn ngữ thì các em đã mở rộng kiến thức nền về chính trị xã hội. Khoảng cách giữa các thế hệ người Nga nghiên cứu tiếng Việt đang bị hụt hẫng, trong khi việc đào tạo các nhà Việt Nam học đang là một vấn đề hết sức cấp thiết. Hiện nay ở Nga đã có cuộc thi dịch thuật tiếng Việt ở các trường đại học và tôi muốn rằng tiếng Việt cũng phát triển ở các trường phổ thông để các em không chỉ có kiến thức mà còn cảm thụ được văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam".
Quỳnh Nga