Chúng ta thường nghĩ những hành động như "like", "share" hay click vào một trang tin nào đó là vô thưởng vô phạt, nhưng đó lại là tấm gương phản chiếu thể hiện thị hiếu hay bản chất của chính chúng ta.

2015 là năm của vô số cơn sốt khó hiểu. Người ta có thể tranh cãi cả tháng trời về một chiếc váy là “xanh đen hay vàng trắng”. Người ta có thể lao vào hôn ngấu nghiến bất cứ ai ngoài đường để ghi hình (bất kể người đó có đồng ý hay không). Người ta cũng có thể uốn éo đến vã mồ hôi để vòng tay ra sau lưng mà chạm rốn.

Và có thể, năm 2016 sẽ tiếp tục là năm của những trào lưu khó hiểu, khi mà ngay những ngày đầu năm, một vũng nước mưa ở Anh quốc đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận.

{keywords}
Chỉ những thói quen nhỏ trên mạng xã hội, bạn cũng đã vô tình thể hiện thị hiếu của bản thân. Ảnh minh họa

Câu chuyện bắt đầu rất vô thưởng vô phạt: Một nhân viên văn phòng ở Newcastle – Anh Quốc, qua cửa sổ quan sát thấy mọi người loay hoay rất khổ sở và hài hước để vượt qua một vũng nước mưa khá to. Anh ta lấy điện thoại ra, và dùng một ứng dụng có tên là Periscope để… truyền trực tiếp cảnh tượng này lên mạng xã hội Twitter.

Thật khủng khiếp, chỉ trong vòng 1 ngày, có tới hơn 2 vạn người đăng ký theo dõi cảnh lội nước này. Và con số tiếp tục tăng cao trong những ngày sau đó. Người ta không thể ngừng bật máy điện thoại, và chờ đợi mọi người loay hoay với “vũng nước mưa Drummond” (tên công ty của anh nhân viên văn phòng nọ).

Các nhãn hàng chẳng bỏ qua cơ hội vàng để quảng cáo. Nào là ủng đi mưa, thậm chí xuồng hơi, để vượt qua vũng nước Drummond, nào là đồ ăn nhanh và cả sách để tiêu khiển trong khi chờ đợi ai đó vượt qua vũng nước. Trên bản đồ data của mạng xã hội Twitter trong tuần đầu tiên của năm 2016, vũng nước mưa Drummond ở Newcastle nóng ngang với nước Đức đang náo loạn, hay nước Mỹ - nơi bão tuyết hoành hành.

Tò mò và chạy theo trào lưu, đó có lẽ là những đặc tính hiếm hoi mà người Việt Nam có thể tự hào là ngang tầm thế giới.

Mạng internet đến với Việt Nam trễ hơn thế giới cả thập kỷ, nhưng bây giờ, những hệ lụy tiêu cực nhất mà nó mang lại, thì cập nhật cho người dùng mạng của chúng ta nhanh không thua kém bất cứ quốc gia nào.

Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ người nghiện internet cao thứ nhì thế giới (7,1% - nhóm cao nhất là khu vực Bắc Mỹ, 8%). Mạng xã hội Facebook thống kê, số người sử dụng facebook hàng tháng tại Việt Nam là 30 triệu, và tính trung bình mỗi người sử dụng facebook dành ra 2,5 giờ mỗi ngày cho việc này. Nhân lên, bao nhiêu giờ đã tiêu tốn cho mạng xã hội. Và hẳn rồi, rất nhiều trong số hàng triệu giờ tiêu tốn đó, là giờ hành chính, giờ lao động, giờ vàng ngọc.

Mạng xã hội Facebook từ lâu đã buộc người sử dụng phải tiếp nhận quảng cáo một cách thụ động. Nghĩa là khi bạn đăng nhập tài khoản và “lướt phây”, thì bạn sẽ gặp rất nhiều nội dung sponsored (là những tài khoản trả tiền cho Facebook để được phát tán mặc định đến cộng đồng, nhằm mục đích quảng cáo).

Điều này cũng hợp lý, vì suy cho cùng, cho những tiện ích của Facebook, bạn chẳng phải trả đồng phí nào. Nhưng có điều thú vị, đó là các nội dung quảng bá dạng sponsored, hoàn toàn dựa trên thói quen của bạn khi xem Facebook. Vì vậy, nếu bạn thấy Facebook của mình toàn những quảng cáo quán rượu, đồ ăn, tin lá cải, hay mỹ phẩm nhập ngoại, thì đừng kêu ca – đó chính là những nội dung mà bạn thường bấm vào nhất, hay nói cách khác: đó chính là thị hiếu thông tin của bạn.

Cho nên, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận hành vi tiếp nhận thông tin trên internet của mình có thực sự đã bổ ích hay chưa – với chính mình, và có trách nhiệm hay chưa – với cộng đồng. Bởi vì ngay cả khi không trực tiếp biểu lộ thái độ (bằng cách nhấn nút “like” hay “share”), thì những gì bạn bấm vào dù chỉ để xem, cũng góp phần kích ứng khả năng tiếp cận rộng hơn của bất kỳ thông tin nào.

Không lấy làm ngạc nhiên, khi mặc dù bị coi thường và kỳ thị, thì những trang chuyên cóp nhặt tin lá cải, tin giật gân, những hình ảnh hở hang mát mẻ hay chuyện đồn thổi về đời tư người nổi tiếng… vẫn mọc lên như nấm và có lượng người theo dõi cao chót vót.

Hôm trước, giữa đêm, Facebook hiển thị việc một người bạn tôi vừa bấm follow một trang chia sẻ clip “nóng” của một hot-girl mới nổi. Là một người mới sử dụng Facebook, anh bạn không biết rằng những gì anh làm trên mạng xã hội này, sẽ được những bạn bè và người theo dõi anh nhận biết. Vì Facebook có cơ chế thông báo.

Anh vừa kết bạn với ai, anh bấm theo dõi trang nào, hay thậm chí anh vừa like một status nào mới, bạn bè anh biết cả. Điều thú vị là, trừ khi anh đặt chế độ hoàn toàn riêng tư, không ai xem được. Còn nếu anh kết nối với cộng đồng Facebook, thì không cách nào khóa được hành tung của mình.

Đó có lẽ là ẩn ý của Mark Zuckerberg – ông chủ Facebook, và ban quản trị mạng xã hội này: dù bạn có là ai, thì môi trường mạng hoàn toàn không phải là sọt rác. Ngay cả khi đó là một vũng nước mưa vô danh nào đó bên đường, thì khi soi vào, bạn cũng sẽ bắt gặp chính mình.

Theo Phạm Gia Hiền/Khampha

XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ KHÁC