Biến tiềm năng thành lợi thế
Sóc Trăng hấp dẫn du khách gần xa với vẻ đẹp sông nước miệt vườn của Cồn Mỹ Phước, chợ nổi Ngã Năm, hệ thống đền chùa nổi tiếng của người Khmer... Nơi đây có các lễ hội đặc sắc như Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo, lễ hội Nghinh Ông, Cúng Phước Biển, Cúng dừa, Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer Nam Bộ, Nghệ thuật Sân khấu Rô băm... Điểm đến này cũng sở hữu những món ăn ngon mà bất cứ du khách nào cũng muốn thưởng thức: bánh cóng và bún nước lèo, bánh pía - lạp xưởng Vũng Thơm; củ hành tím, tỏi và xá pấu Vĩnh Châu; mắm cá rô không xương Ngã Năm…
Theo ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, trong thời gian qua, sở đã xây dựng 3 định hướng lớn về phát triển du lịch Sóc Trăng: Phát triển du lịch văn hóa lễ hội, lịch sử tại các điểm chùa, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp tỉnh, nâng cao tầm vóc của các sự kiện, lễ hội độc đáo; Phát triển du lịch sinh thái, sông nước việt vườn; Phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, kết hợp phát triển điện gió, du lịch biển...
Chợ nổi Ngã Năm |
Về loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, Sóc Trăng có trên 13 điểm chùa thu hút nhiều khách đến tham quan, trong đó hấp dẫn nhất là chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), chùa Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét) và Trung tâm từ thiện văn hóa tâm linh Phật giáo. Tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa có đông du khách đến tham quan như: chùa Mahatup, chùa Sro Lôn, Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy, chùa Bốn Mặt, chùa Bửu Sơn Tự. Nâng tầm quy mô tổ chức các lễ hội như: lễ hội Nghinh Ông (Trần Đề), lễ cúng Phước Biển (TX. Vĩnh Châu), lễ hội Cúng Dừa (Châu Thành), Ngày hội sông nước miệt vườn (Kế Sách), kết hợp quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút du khách đến tham gia, trải nghiệm.
Đối với loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng, tỉnh bước đầu hình thành các điểm du lịch như: Tổ hợp tác du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước (Kế Sách) với mô hình du lịch tham quan vườn cây ăn trái, lưu trú; mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3; farmstay Sân Tiên ở xã An Thạnh Nam (Cù Lao Dung) với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tour tham quan trải nghiệm đi cầu tre dưới tán rừng, câu cua, câu cá, tham quan rừng bần, bãi nghêu bằng thuyền du lịch; mô hình du lịch cộng đồng Long Ẩn - ấp An Trung, homestay Sáu Mới ở ấp An Thường, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung); homestay Phương An tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú (Mỹ Tú); homestay ZiVuu ở Phường 10 (TP. Sóc Trăng); tham quan, trải nghiệm hoạt động mua bán trên sông tại chợ nổi Ngã Năm (TX. Ngã Năm)…
Đặc biệt, thời gian qua Sóc Trăng đã hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới như: tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, điểm du lịch Tân Huê Viên, Khu Văn hóa tín ngưỡng Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm), chùa Quan Âm Linh Ứng…Tỉnh đang triển khai Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên, chùa Quan Âm Đông Hải (TX. Vĩnh Châu)…
Đẩy mạnh các giải pháp phát triển du lịch
Năm 2020, ngành du lịch cả nước nói chung và Sóc Trăng nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và du khách trên địa bàn tỉnh; đề xuất các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; đẩy mạnh kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh...
Chùa Khléang |
Theo ông Phạm Văn Đâu, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Tỉnh ủy, Chương trình hành động của UBND tỉnh về phát triển du lịch. Đặc biệt là Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2020 - 2025. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phát triển du lịch; phát triển du lịch theo hướng chuyên môn hóa để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Cụ thể, tỉnh xây dựng và triển khai các đề án: “Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2035”; “Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án Du lịch thông minh; đặc biệt là Đề án “Làng Văn hóa - Du lịch chợ nổi Ngã Năm”, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Sóc Trăng tạo điều kiện để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa các dự án về du lịch, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tập trung đầu tư phát triển thêm các khu, điểm du lịch trên địa bàn; kêu gọi đầu tư xây dựng thêm khách sạn từ 3 đến 4 sao; đồng thời đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thiết chế văn hóa, thể thao, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, các làng nghề, các dự án phục vụ phát triển du lịch.
Đặc biệt, tỉnh tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương dựa trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị văn hóa cốt lõi của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa... Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, thực hiện tốt công tác liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, giữa các công ty lữ hành để phát triển tour - tuyến du lịch; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...
Ngọc Minh