Sóc Trăng là một tỉnh nông nghiệp, với 67,95% dân số sống ở khu vực nông thôn. Hiện nay, để sản phẩm hàng hoá, nhất là nông sản cạnh tranh được trên thị trường thì người sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu như: sản xuất tập trung, qui mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất để có năng suất, chất lượng cao, giá thành thấp, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc… Để đáp ứng các yêu cầu này thì việc phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) là xu thế tất yếu.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh đã tích cực phối hợp với Liên minh HTX, các sở ngành, địa phương nâng cao năng lực các HTX trên địa bàn tỉnh, giúp các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động và hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế.
Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ nên hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, hỗ trợ thiết thực cho thành viên... Tính đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh có 216 HTX đang hoạt động với gần 32.000 thành viên; có 1.244 tổ hợp tác, với 29.613 thành viên; 1 liên hiệp HTX.
Hiện nay, toàn tỉnh có 4 HTX được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể, 27 HTX ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, ASC vào sản xuất, trong đó 18 HTX, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt (VietGAP); 9 HTX, tổ hợp tác nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, VietGAP. Đa số sản phẩm từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều có doanh nghiệp bao tiêu cho thành viên, điển hình trên các lĩnh lúa, chăn nuôi, cây ăn trái, thủy sản... đều cho hiệu quả kinh tế nhất định.
Trong 3 năm trở lại đây, tỉnh đã chú trọng công tác xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Đến nay đã hỗ trợ cho 20 HTX xây dựng được 94 mã số vùng trồng với tổng diện tích là 580,67 ha trên các loại cây vú sữa, xoài, bưởi và sầu riêng. Việc xây dựng mã số vùng trồng từng bước thay đổi phương thức sản xuất của nông dân theo hướng an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, bao trái đảm bảo quy định về kiểm dịch thực vật, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với cây lúa, có hàng trăm lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ lúa ở 2 vụ Đông Xuân 2023 và Hè Thu 2023 với tổng diện tích gần 60.000 ha.
Về cây ăn trái, các HTX đã liên kết tiêu thụ với các Công ty Vina T&T, Chánh Thu, Ánh Dương Sao, Phước Phúc Vinh, VinaGreenco được 1.166,9 tấn bao gồm vú sữa, bưởi, thanh nhãn, ổi. Lũy kế từ năm 2018 đến nay, diện tích sản xuất cây ăn trái theo hướng hữu cơ đạt 8.181 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 168,5 ha.
Tương tự với lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh có 35 đơn vị sản xuất áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP) 1.656,8 ha, trong đó có 4 HTX với diện tích gần 200 ha nuôi tôm theo chuẩn ASC, liên kết với nhà máy chế biến thu mua nguyên liệu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn. Các HTX tuy tăng về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa được như kỳ vọng, do phải đối mặt với biến động giá cả thị trường, nhất là biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp.
Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được hình thành nhưng số lượng còn ít, chưa hoàn chỉnh và không bền vững.
Do đó, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX, các sở ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, phối hợp với địa phương xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường, truy xuất được nguồn gốc, liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm của HTX, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Hỗ trợ cho các HTX mở rộng sản xuất kinh doanh phục vụ cho thành viên ngày càng hiệu quả hơn. Tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ để các hHTX, tổ hợp tác có điều kiện nâng cao các hoạt động, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi lợi ích của kinh tế hợp tác, HTX.